NÂNG CAO Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM QUÂN
NHÂN
KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI
Những năm gần đây với sự phát
triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật trong đó có công nghệ thông tin
Internet; thông qua đó các thế lực thù địch, phản động cũng triệt để lợi dụng
để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán thông tin sai trái, độc hại
với mức độ, tần xuất ngày càng tăng, nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn
dân tộc, chống phá cách mạng nước ta thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ, nguy hiểm hơn là nhằm “phi chính trị hóa Quân đội”…
Nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản
động thông qua thông tin trên mạng xã hội rất đa dạng, từ kinh tế, xã hội đến
văn hóa, giáo dục, y tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh…, thậm chí đến cả diễn
biến tình hình sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Thực tế cho thấy, những người tham gia nêu quan điểm, ý kiến phân tích, bình
luận, đánh giá tình hình đất nước trên mạng xã hội có thể chia ra theo các
nhóm.
Nhóm 1: Nhóm có ý thức tốt, trình độ nhận thức cao, hiểu rõ,
đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước đang diễn ra. Họ chủ động đấu
tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách tích
cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng; chủ trương, chính
sách của Nhà nước, quyết tâm bảo vệ Đảng, Nhà nước, Quân đội, bảo vệ chế độ xã
hội chủ nghĩa.
Nhóm 2: Nhóm cố tình hiểu sai, bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc
chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội; cố tình nói
xấu, vu khống, “thổi phồng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp của Đảng,
Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta đang nỗ lực phấn đấu xây dựng.
Nhóm 3: Nhóm vô tình bị lôi kéo, hùa theo những ý kiến phản
động của nhóm 2 mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra. Phần lớn họ là
những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, có
tâm lý a dua, hiếu kỳ, đám đông.
Trong 3 nhóm nêu trên, nhóm 1 chiếm tỷ lệ không nhiều, chủ
yếu tập trung ở quan điểm của những nhà nghiên cứu chuyên sâu, phát ngôn của
các cơ quan chuyên môn… những người ở nhóm 1 gặp nhiều khó khăn trong thực hiện
vai trò của mình trên mạng xã hội (thường phải gánh chịu “gạch, đá” của những
cư dân mạng thiếu hiểu biết và những kẻ phản động, đội lốt dân chủ). Như vậy
nhóm 2 là nhóm chúng ta cần quan tâm hơn.
Nếu xem xét, phân tích, dễ nhận ra nhóm 2 tuy chiếm tỷ lệ
ít, nhưng nguy hiểm và điều đáng quan ngại là nhóm này dễ dàng lôi kéo để có sự
“hậu thuẫn” của nhóm 3, nhóm chiếm tỷ lệ rất đông. Vì thế, dù chiếm tỷ lệ ít
song phạm vi tác động của nhóm 2 lại rất rộng, làm cho nhiều người có cảm giác
“cứ vào mạng xã hội là thấy toàn nghịch cảnh, chuyện sai trái, xã hội đầy màu
đen”.
Như vậy, nếu không cẩn thận chúng ta đã
vô tình dành một mảnh đất rất rộng trên mạng xã hội cho các thế lực thù địch,
phản động tuyên truyền, xuyên tạc; cho những người nhận thức chưa đầy đủ, thiếu
thông tin chính thống, tham gia cổ xúy, tuyên truyền, quảng bá cho cái xấu, cái
sai, bất chấp hậu quả tai hại của nó đối với đạo đức xã hội, đối với sự phát
triển của đất nước và đối với hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ”.
Các thế lực thù địch, phản động đã chọn mạng xã hội như một
“mặt trận” mới, để tăng cường chống phá chế độ ta. Một số người vì nhiều lý do,
trong đó có lý do thiếu hiểu biết, đã cố ý hay vô tình tiếp tay cho các thế lực
thù địch, phản động. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải biết cách tận dụng sử dụng
mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh thông tin hữu ích để tuyên truyền
tính đúng đắn, cách mạng, khoa học để chuyền tải các chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đến quần chúng, góp phần phòng, chống,
ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc một cách hiệu quả.
Trước tình hình mạng xã hội diễn biến ngày càng đa dạng,
phức tạp, trước hết cấp ủy, chỉ huy các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi quân
nhân cần thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Một là: Đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh nhằm củng cố vững chắc thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện
chứng trong nhận thức, phân tích, đánh giá và hoạt động thực tiễn, nhằm đấu
tranh chống lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động.
Hai là: Tích cực học tập, quán triệt cương lĩnh, đường lối,
chiến lược, sách lược của Đảng, Nhà nước, Quân đội trên mọi lĩnh vực; chủ động
nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri
thức chính trị – xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ đấu tranh
với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội. Tiếp tục quán triệt thực
hiện nghiêm Chỉ thị số 118-CT/QUTW ngày 20/02/2017 của Quân ủy Trung ương, “V/v
tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội trong tình hình hiện nay”;
coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhằm nâng cao nhận thức, trách
nhiệm, tinh thần cảnh giác; kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, sai
trái; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Ban chấp hành
Trung ương về những điều Đảng viên không được làm, nhất là phát ngôn, tuyên
truyền, phát tán tài liệu trái cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Kiên quyết đấu tranh
làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch,
phản động nhằm phá hoại, gây mất đoàn kết trong nội bộ làm cho nội bộ “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”.
Ba là: Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phong cách tư duy,
ứng xử, làm việc, sinh hoạt… theo phong cách Hồ Chí Minh, để nâng cao khả năng
phân tích, đánh giá, phản biện, đấu tranh vừa lịch sự, khiêm tốn, trí tuệ,
thuyết phục nhẹ nhàng, kiên trì, nhưng vừa kiên quyết, triệt để, bảo đảm giành
thắng lợi trên mạng xã hội trước các thế lực thù địch.
Bốn là: Mỗi cấp ủy, chỉ huy, tổ chức cơ sở đảng, tổ chức
quần chúng trong sinh hoạt công tác phải thường xuyên giáo dục, làm rõ, vạch
trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu độc, ác ý của các thế
lực thù địch, phản động; cần dựa vào những thông tin chính thống, hướng dẫn của
các cơ quan chức năng để cung cấp nhanh cho quân nhân thuộc quyền những thông
tin chính xác và dựa vào đó, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch, thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Năm là: Thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, Nhà nước,
Quân đội về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước; mặt khác
phải thực hiện nghiêm quy định về biện pháp tiếp nhận, cung cấp, sử dụng thông
tin để phản bác lại các luận điệu sai trái trên mạng xã hội, bảo đảm đúng chức
năng, nhiệm vụ, đúng thời điểm, đối tượng, đúng nội dung và yêu cầu đặt ra.
Sáu là: Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên nắm bắt
tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội trong nội bộ cơ quan, đơn vị, nhất là nắm
bắt trên không gian mạng xã hội. Qua đó, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình,
không để quân nhân thuộc quyền, đồng chí, đồng đội bị lôi kéo, dụ dỗ mà cố ý
hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, loan truyền những thông tin xấu độc trên mạng xã
hội.
Bảy là: Trên cơ sở nắm vững Luật An ninh mạng, mỗi quân nhân
phải biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin hữu ích để tuyên
truyền những thông tin chính thống về chủ trương, chính sách, pháp luật của
Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đồng thời phải thường xuyên tham gia phân tích,
bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt,
việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay, xây dựng môi trường văn hóa lành
mạnh trong phong trào thi đua quyết thắng ở cơ quan, đơn vị mình.
Tám là: Mỗi quân nhân phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện
phẩm chất đạo đức, lối sống; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương
mẫu của người quân nhân cách mạng, nêu cao ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi
cám dỗ vật chất, danh lợi trước mọi thủ đoạn, mưu mô thâm độc của kẻ thù.
V.T.B