TRÁCH
NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI
BMĐ
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh” đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng,
nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy vậy, bên cạnh những thành
tích đạt được, công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại, trong đó có nguyên nhân từ việc tăng
cường các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên nhiều phương diện.
Đặc biệt, những năm gần đây, tận dụng tối đa những chức năng và lợi thế từ mạng
xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã quyết liệt chống phá Đảng
và Nhà nước ta với nhiều hình thức, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế
lực thù địch, phản động thông qua thông tin trên mạng xã hội rất đa dạng, từ
kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế đến pháp luật, quốc phòng,
an ninh, trật tự, thậm chí đến cả diễn biến về tình hình sức khỏe của các đồng
chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Thực tế cho thấy, những người tham gia
nêu quan điểm, ý kiến phân tích, bình luận, đánh giá tình hình đất nước trên mạng
xã hội có thể chia ra theo 3 nhóm đối tượng.
Nhóm 1: Nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận
thức cao, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước đang diễn ra.
Họ chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng; chủ
trương, chính sách của Nhà nước, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ
chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhóm 2: Nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp
méo, “bôi đen”, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước
ta; cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng”, “bơm căng” làm sai lệch những giá
trị thực, tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng.
Nhóm 3: Nhóm vô tình bị lôi kéo, hùa theo
những ý kiến phản động của nhóm 2 mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra.
Phần lớn họ là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin
chính thống, có tâm lý a dua, tâm lý hiếu kỳ, đám đông,...
Trong 3 nhóm nêu trên, nếu tỉnh táo xem
xét, phân tích, dễ dàng nhận ra nhóm 2 tuy chiếm tỷ lệ ít, nhưng nguy hiểm và
điều đáng quan ngại là nhóm này dễ dàng lôi kéo để có được sự “hậu thuẫn” của
nhóm 3 - nhóm chiếm tỷ lệ rất đông. Vì thế, dù chiếm tỷ lệ ít, song phạm vi tác
động của nhóm 2 lại rất rộng, làm cho nhiều người có cảm giác “cứ vào mạng xã hội
là thấy toàn nghịch cảnh, chuyện sai trái, xã hội đầy màu đen”. Trong khi đó, nếu
tỉnh táo xem xét, có thể thấy trên mạng xã hội hiện nay, những ý kiến phân
tích, bình luận, phê phán của những người thuộc nhóm 1 chiếm tỷ lệ không nhiều,
chủ yếu tập trung ở quan điểm của những nhà nghiên cứu chuyên sâu, phát ngôn của
các cơ quan chuyên môn… Những người của nhóm 1 cũng gặp nhiều khó khăn trong thực
hiện vai trò của mình trên mạng xã hội (thường phải hứng chịu “gạch, đá” của những
cư dân mạng thiếu hiểu biết và những kẻ phản động, đội lốt dân chủ).
Như vậy, chúng ta đã vô tình dành một “mảnh
đất” rất rộng trên mạng xã hội cho các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền,
xuyên tạc; cho những người nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống tin chính thống,
những người nắm và hiểu vấn đề còn nông cạn… tham gia cổ xúy, tuyên truyền, quảng
bá cho cái xấu, cái sai, bất chấp hậu quả tai hại của nó đối với đạo đức xã hội,
đối với sự phát triển của đất nước.
Để
tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai
trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, của các thế lực phản động,
thù địch trong và ngoài nước trên mạng xã hội, thiết nghĩ, mỗi đảng viên, cán bộ,
công chức, viên chức trước hết cần lưu ý và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản
sau:
Một là, đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để củng cố vững chắc thế giới quan duy vật biện
chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật trong nhận thức, phân tích, đánh
giá và hoạt động thực tiễn, nhằm đấu tranh chống lại quan điểm sai trái của các
thế lực thù địch, phản động.
Hai là, tích cực học tập, quán triệt Cương
lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực; chủ
động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng
tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ đấu
tranh với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội.
Ba là, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện
phong cách tư duy, phong cách ứng xử, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt,
phong cách sinh hoạt… theo phong cách Hồ Chí Minh, để hình thành kỹ năng phân
tích, đánh giá, phản biện, đấu tranh vừa lịch sự, khiêm tốn, trí tuệ, thuyết phục
nhẹ nhàng, kiên trì, nhưng vừa kiên quyết, triệt để, cách mạng… bảo đảm giành
thắng lợi trên “mặt trận” mạng xã hội trước các thế lực thù địch.
Bốn là, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng,
chính quyền, đoàn thể trong sinh hoạt, công tác cần thường xuyên tổ chức sinh
hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những
thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa
vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cơ quan Đảng, Nhà nước,
đoàn thể cấp trên để tổ chức cung cấp nhanh cho cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng internet, mạng xã
hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét