Vừa qua, ngày 11/12/2017 đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị,
thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thay
mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định 102-QĐ/TW “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Quy định này nhằm thực hiện
Nghị quyết Đại hội XII và Hội nghị TW 4 (khóa XII) của Đảng. Quy định
102 xác định rõ nội dung các vi phạm và mức độ xử lý đối với cán bộ, đảng viên.
Việc ban hành quy định không chỉ căn cứ Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, căn cứ Hiếp
pháp, pháp luật mà còn các giá trị truyền thống đạo đức của dân tộc.
Quy định 102 là một quy định nội bộ Đảng nhằm giữ vững phẩm chất chính
trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, ngay sau khi quy định được ban
hành, trên không gian mạng đã có những bài viết chỉ trích, những comment - bình
luận cố ý hiểu sai lệch, xuyên tạc. Chẳng hạn, có người viết rằng, quy định này
thể hiện sự “xung khắc nội bộ” về “xã hội dân sự”.
Họ viện dẫn Quy định 102 rằng, những đảng viên nào đòi thực hiện “thể chế
xã hội dân sự”, “thể chế tam quyền phân lập” và “đa nguyên đa đảng” sẽ bị khai
trừ ra khỏi Đảng…, từ đó tập trung phê phán, đả kích. Vậy nội dung, thực chất
của Quy định 102 như thế nào? Vì lý do gì một số người lại cố tình xuyên tạc
quy định này?
Quy định 102 ra đời xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trong thực tiễn, đó là
tình trạng suy thoái về “chính trị, tư tưởng, đạo đức”, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” mà Hội nghị TW 4 (khóa XII) đã chỉ ra là nghiêm trọng.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị TW nói trên, đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất
ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế
lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân
tộc”.
Quá trình thực hiện Nghị quyết TW4, với sự quyết tâm của Bộ Chính trị,
Ban Chấp hành Trung ương, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã có những chuyển biến quan
trọng.
Nhiều vụ việc cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm
Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng… đã bị xử lý kỷ
luật và xử lý hình sự với các hình thức nghiêm minh.
Chẳng hạn việc kỷ luật Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Ngô Văn Tuấn,
Giám đốc Sở Xây dựng Đào Vũ Việt do những sai phạm trong vụ “hot girl” Trần Vũ
Quỳnh Anh được đề bạt “siêu tốc” ở Sở Xây dựng; rồi 14 cán bộ, đảng viên liên
quan đến vụ “biệt phủ Yên Bái”, vi phạm pháp luật về quản lý đất đai (biệt phủ
của Giám đốc Sở TN&MT, hiện đã bị cách chức).
Hay việc cách chức Bí thư Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh, cách chức
Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, các vi phạm nói trên được
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định là “rất nghiêm trọng”.
Đặc biệt, ngày 8-12-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra
quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi “cố ý
làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
(hiện cơ quan CSĐT đã ra kết luận điều tra)...
Đó là những dẫn chứng về tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sỗng của
một bộ phận cán bộ đảng viên, Quy định 102 ra đời nhằm giải quyết những vấn đề
đặt ra trước tình hình đó.
Ngoài các điều về “đối tượng…, nguyên tắc…, thời hiệu… xử lý, Quy định
102 tập trung đề cập những hành vi “vi phạm về chính trị; nguyên tắc tổ chức,
sinh hoạt Đảng” (Chương II); “Vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước”
(Chương III); “Vi phạm về chế độ trách nhiệm, đạo đức lối sống, tín ngưỡng và
tôn giáo” (Chương IV).
Chẳng hạn, khoản b, Điều 7 (Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị
nội bộ) quy định hành vi: “Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái với quan
điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, …thiếu trách nhiệm trong
đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống...”; khoản d: “Không trung thực trong khai lý lịch, lịch sử bản thân và bổ
sung lý lịch đảng viên”.
Khoản a, Điều 9 (Vi phạm các quy định về bầu cử): “Lợi dụng chức vụ,
quyền hạn… tác động, gây áp lực đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để đề cử
người thân của mình vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội”. Khoản h, Điều 13 (Vi phạm trong
công tác phòng, chống tội phạm): “Bảo kê, bao che, tiếp tay cho các hoạt động
vi phạm pháp luật”…
Trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy định này nêu khá cụ thể việc xử
lý các hành vi sai phạm của đảng viên, đặc biệt dựa trên những vụ việc cán bộ,
đảng viên vi phạm, trong đó đã có vụ bị xử lý và những vụ chưa xử lý. Quy định
này vừa là cơ sở để xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, đồng thời có ý nghĩa cảnh
tỉnh, răn đe phòng ngừa chung.
Vậy vì lý do gì một số kẻ lại cố tình xuyên tạc quy định này? Điều mà họ
nói “xung khắc nội bộ” về “xã hội dân sự” thực chất là gì?
Theo Quy định 102, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm sau: “a)
Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai
trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc; b) Phản bác, phủ nhận
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền
dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”,
“xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.
Quy định như trên là rất rõ ràng, cụ thể, việc ý kiến nói quy định này là
“xung khắc nội bộ” là đã cố tình xuyên tạc bản chất. Trước hết, họ đã cố tình
cắt xén bối cảnh của quy định. Bối cảnh của nội dung này nằm trong mệnh đề
“Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (vấn đề này
được quy định tại Điều 4, Hiến pháp 2013).
Thức hai, họ cố tình tách cụm từ “xã hội dân sự” ra khỏi mệnh đề thể chế
“tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng” (điều này được quy
định tại khoản 3, Điều 2 quy định về nguyên tắc phân công phối hợp của cơ quan
quyền lực Nhà nước).
Cho dù những ý kiến, bình luận chỉ trích “xung khắc nội bộ” về “xã hội
dân sự” cố tình xuyên tạc, đả kích đến đâu cũng không thể làm sai lệch bản
chất, nguyên tắc và mục đích mà Quy định 102/TW đặt ra.
Đó là đảm bảo sự tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, căn cứ Cương lĩnh, Điều
lệ Đảng, việc quy định xử lý sai phạm của đảng viên nhằm mục đích xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh, vì sự tiến bộ của Đảng và tiến bộ của đất nước, hoàn
toàn không có tính chất cá nhân, không “xung khắc nội bộ” như luận điệu kẻ địch
rêu rao./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét