Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

SỰ PHI LÝ CỦA “BẢN TUYÊN CÁO CHO SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM”


Trên diễn đàn xã hội, một số người bàn luận nhiều về mô hình xã hội dân sự. Trong đó, họ tập trung cổ xúy vai trò, chức năng vượt trội của xã hội dân sự, coi đó là sự ưu việt, văn minh nhất trong điều kiện “thế giới phẳng”, đem đến cho cá nhân, xã hội quyền dân sự tuyệt đối mà các thể chế xã hội khác không có được, thậm chí là sự cứu cánh để phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, và nhấn mạnh nó thực sự cần thiết đối với Việt Nam. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể nhận diện được bản chất của nó từ lý thuyết đến hoạt động, nhất là từ khi đám dân chủ phản động tụ tập lại ra Bản tuyên cáo cho sự ra đời ở Việt Nam các tổ chức xã hội dân sự độc lập nhờ có sự đồng lõa, hà hơi tiếp sức của các thế lực thù địch nước ngoài.

          Về tư tưởng, họ tập trung khuếch trương vai trò của xã hội dân sự trong hỗ trợ xây dựng và thực thi pháp luật, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, tha hóa quyền lực của bộ máy nhà nước, là lực lượng bù đắp, khỏa lấp những khiếm khuyết của thị trường; xã hội dân sự gắn liền với nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, kinh tế thị trường. Thế nhưng, họ lại hướng lái sang đả kích, xuyên tạc, phủ nhận bản chất tốt đẹp của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong lịch sử, trong hiện tại, coi đó là mô hình nhà nước độc tài, toàn trị vì thiếu sự hiện diện của xã hội dân sự. Theo đó, lên giọng phê phán, chê bai Việt Nam đã thừa nhận nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, sao lại e dè, e ngại với xã hội dân sự. Vì vậy, cần phải học tập, du nhập mô hình thể chế chính trị có sự đồng hành của xã hội dân sự của các nước tư bản phương Tây.

Với lập luận, xã hội dân sự không phải là cái đuôi của nhà nước, mà là “đối quyền của quyền lực nhà nước” để tập trung đòi thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ quyền lực chính trị cho xã hội dân sự; thực chất là cổ vũ tư tưởng vô chính phủ, lấy phá hoại thay cho xây dựng, biến phản biện xã hội thành phản đối thể chế chính trị.

          Sau khi phân tích hệ trục dọc, trục ngang của cơ cấu quyền lực, hình thức phát huy dân chủ. Họ cho rằng, nếu chỉ có liên kết dọc từ trên xuống của nhà nước sẽ làm nghèo nàn nội dung xã hội, tính tự quản, tinh thần tự nguyện của xã hội, và điều đó chỉ được khắc phục bởi cấu trúc mạng ngang với sự tham gia của xã hội dân sự. Lập luận ấy được tâng bốc là sự vận dụng lý thuyết “thế giới phẳng” trong cấu trúc quyền lực xã hội để tạo nên giá trị, mà thực chất là kích động thái độ “cá mè một lứa”. Ở khía cạnh căn bản, cốt lõi, trực diện hơn, họ hô hào thu hẹp vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, đòi thực hiện “phi chính trị hóa” các tổ chức chính trị - xã hội, biến nó thành các tổ chức xã hội dân sự theo chủ kiến của họ, các tổ chức chính trị - xã hội “độc lập”.

          Họ khuyến cáo, con đường xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam phải được tiến hành đồng bộ, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết phải cải cách về kinh tế, thừa nhận kinh tế thị trường mà không phải là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Coi biểu tình là một trong những hình thức thể hiện phản biện xã hội cao nhất. Cổ vũ thái quá dân chủ trực tiếp, lấy dân chủ tham gia thay cho dân chủ đại diện. Nghiên cứu, xem xét thành lập lại mô hình “Khu tự trị”, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo độc lập…

Để đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò lợi dụng danh nghĩa xã hội dân sự của các thế lực thù địch, nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng ở nước ta, cần tập trung vạch rõ bản chất xã hội dân sự trong xã hội tư bản chủ nghĩa và vấn đề xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay; tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng, chống luận điệu phản động về xã hội dân sự ở Việt Nam; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phát huy chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội./.

TB11

 

 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét