Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI – NHỮNG HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG


 Internet và mạng xã hội (MXH) ở Việt Nam đã trở thành công cụ quen thuộc với trên 73 triệu người sử dụng, góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần. Hiện có 614 MXH được cấp phép tại Việt Nam, trong đó, nhiều ứng dụng thu hút hàng triệu người sử dụng như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram, Tik Tok...

Thông qua MXH, người dân có thể tự do truy cập và chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã và đang triệt để lợi dụng các phương tiện này để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đặc biệt, trước thềm đại hội Đảng các cấp, hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, tung tin sai trái, bịa đặt, công kích, chống phá cách mạng Việt Nam được các đối tượng đẩy mạnh trên không gian mạng.

Trên nhiều phương tiện truyền thông hải ngoại, trang mạng của tổ chức phản động, lưu vong và MXH, các đối tượng chống phá tăng cường tung ra các luận điệu xuyên tạc, giả mạo, thất thiệt như: “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng nội bộ”... hoặc thông tin vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Một trong những thủ đoạn nguy hiểm là xuyên tạc, quy chụp công tác quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ cốt cán các cấp như là “tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử”. Chúng ra sức suy diễn, bóp méo kết quả công tác phòng chống tham nhũng, quy kết thành những hạn chế, yếu kém của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ; phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.

Để đánh trúng vào sự tò mò của nhiều người, các luận điệu xuyên tạc, chống phá thường sử dụng mánh lới “giật tít - câu view”, phát tán các thông tin, hình ảnh, clip giả tạo, sai lệch, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội.

Mục đích của những chiêu trò “diễn biến hòa bình” trên hòng gây nhiễu loạn thông tin, dao động về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, tạo ra sự mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tính ưu việt của chế độ và Nhà nước pháp quyền XHCN.

Điều nguy hại là thông tin giả lại được một số người nhẹ dạ cả tin, thiếu bản lĩnh, mất cảnh giác, hoặc vì lý do nào đó mà “vô tình” hay “cố ý” phát tán, chia sẻ, lan truyền. Không ít người nhận thức sai lầm khi cho rằng, MXH là môi trường “ảo” nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm.

6 tháng đầu năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ 24 tài khoản bao gồm tài khoản giả mạo và tài khoản đăng thông tin sai sự thật, 411 bài viết có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Google cũng đã ngăn chặn hơn 1.163 video clip, gỡ nguyên 2 kênh có nội dung xấu độc trên Youtube vi phạm pháp luật Việt Nam.

Tuy vậy, vi phạm trên các MXH này vẫn tràn lan. Đáng chú ý là tình trạng thiết lập các trang Facebook giả mạo các bộ, ngành, tổ chức chính trị của Việt Nam với dụng ý đưa thông tin xấu độc đến cộng đồng.

Rõ ràng, MXH giờ đây không chỉ là môi trường công nghệ thông thường, mà thực sự là nơi “tranh chấp” thông tin quyết liệt và cuộc đấu tranh trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa diễn ra mạnh mẽ.

Vì vậy, đi đôi với ngăn chặn, triệt phá kịp thời mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần chủ động, kịp thời định hướng, đưa thông tin chính thống đến người dân, góp phần làm cho môi trường mạng của Việt Nam ngày càng trong lành và an toàn hơn, phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là tiếp tục nâng cao khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những luận điệu chống phá; người tham gia MXH cần tỉnh táo, có ý thức trách nhiệm trong tiếp cận thông tin để tránh bị lợi dụng tiếp tay cho kẻ xấu, đồng thời tích cực đấu tranh với thông tin xấu, độc.

VT11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét