Chiều
30-12-2022, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
đã họp phiên bất thường để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ. Ban Chấp
hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, thống nhất để đồng chí Phạm Bình Minh thôi
giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và đồng chí
Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Lợi dụng vấn đề
này, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã đưa ra nhiều thông tin
tiêu cực, lệch lạc như là “sự thanh trừng nội
bộ” hay “tranh giành phe cánh” nhằm chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước ta. Những nhận định không khách quan này không chỉ xuyên tạc công
tác cán bộ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng và
chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam mà còn gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội. Vì
thế, bác bỏ những luận điệu phản động này là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.
Trước tiên cần phải khẳng định rằng: Trong Đảng Cộng sản Việt
Nam không có chuyện thanh trừng nội bộ, không có đấu đá nội bộ hay trành giành
phe cánh để vào “Bộ Chính trị” hay “ngôi tứ trụ”, khi Đảng cho “thôi chức” hay
Quốc hội “miễn nhiệm” một cán bộ, đảng viên nào đó tùy theo nguyện vọng cá nhân
hay khả năng đảm nhiệm công việc được giao phó (trừ việc bị kỷ luật, vi phạm
pháp luật buộc phải tuân thủ). Hơn nữa vấn đề nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao trong các cơ quan
đảng, nhà nước từ lâu vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi đây là
những vị trí quan trọng, việc ai được bổ nhiệm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến
tương lai, vận mệnh của dân tộc. Như Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là cái dây chuyền
của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy,
toàn bộ bộ máy cũng tê liệt”. Do vậy, mọi
quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác cán bộ khi được đưa ra
đều đã được nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ và hết sức cẩn trọng. Mục tiêu
cao nhất ở đây là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cán bộ được Đảng ta xác định là nhân tố quyết định sự thành bại
của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
và hệ thống chính trị. Bởi vậy, mọi vấn đề liên quan đến công tác cán bộ đều phải
được thực hiện một cách thận trọng, khoa học, chặt chẽ. Một cán bộ tốt phải có
cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Ngoài năng lực chuyên môn, cán bộ, nhất là
những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý phải có uy tín. Vì vậy, với cán bộ
uy tín giảm sút thì việc “ra”, “xuống” là điều hết sức bình thường.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, công tác cán bộ trong thời
gian qua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu của Đảng về chính sách cán
bộ trong thời kỳ mới. Nhờ có chính sách phù hợp và đúng đắn, công tác cán bộ đã
đạt được những kết quả tích cực, quan trọng, khắc phục được những hạn chế, bất
cập và từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, chặt
chẽ hơn, tuyển chọn được “đúng người” cả mặt năng lực và đạo đức. Chất lượng đội
ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tích cực,
chủ động hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng của Đảng và Nhà nước ta vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, có thể có nhiều “đại
án” được xét xử, nhiều cán bộ có thể vi phạm kỷ luật hoặc bị khởi tố. Các thế lực
thù địch, phản động sẽ lợi dụng vấn đề này để tiếp tục đưa thông tin sai lệch,
xuyên tạc về công tác cán bộ. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần
nâng cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh phản bác những âm mưu, thủ đoạn đó,
giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước.
NT11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét