Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI “TIN GIẢ” TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY


Hiện nay, “tin giả” đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu, đe dọa đến an ninh của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Do vậy, nhận diện và phòng chống tin giả luôn là vấn đề mang tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tin giả (Fake news) là “những thông tin chưa kiểm chứng đe dọa tới tính mạng, sức khỏe hay tài sản của người khác, gây mất trật tự công cộng hoặc gây ảnh hưởng tới các hạ tầng thiết yếu, dịch vụ xã hội, giao thông, các tổ chức tín dụng, năng lượng, công nghiệp hay cơ sở vật chất truyền thông…”. Xung quanh vấn đề này có nhiều quan niệm khác nhau về tin giả, nhưng đều được xác định thống nhất là những thông tin phản ánh không đúng sự thật, do chủ thể tạo ra nhằm mục đích, ý đồ nhất định (thường là không tốt), gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến con người và xã hội.

Chủ thể tán phát tin giả là con người, tổ chức, quốc gia nhất định. Môi trường tồn tại của tin giả là đời sống hiện thực của con người và không gian mạng. Nguồn gốc căn bản, sâu xa của tin giả là mục đích của chủ thể. Với tư cách là một quốc gia, tổ chức, tin giả được sản xuất và tán phát với mục đích chính trị, kinh tế - xã hội phục vụ cho lợi ích của quốc gia, tổ chức đó. Với tư cách cá nhân con người trong xã hội, tin giả cũng được tạo ra một cách có chủ đích và cũng có thể là vô tình, ngẫu nhiên. Song, đã là tin giả thì luôn ẩn chứa mục đích không tốt, đều gây tác hại cho con người, xã hội và quốc gia, dân tộc.

Trên không gian mạng, thông qua các loại công cụ chuyên dùng, như: “Robot mạng” - bots, “Tài khoản con rối” (“sock-pưppets”, tài khoản giả mạo), phần mềm “Photoshop giọng nói” hay “kỹ thuật ráp khớp hình và tiếng” (video manipulation technology)…, tin giả được các chủ thể tạo ra số lượng lớn trong một thời gian ngắn, lan truyền rộng rãi với tốc độ cao, ngụy trang tinh vi, dễ dàng đánh lừa được đối tượng tiếp cận, gây hậu quả nghiêm trọng cho mọi quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng.

Sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội hiện nay là môi trường thuận lợi cho sự phát triển về quy mô và tốc độ lan truyền của tin giả nhằm nhiều mục đích, trong đó có cả mục đích gây bất ổn xã hội, chính trị và là một mối đe dọa cho mọi quốc gia. Thông qua mạng Internet, các thế lực thù địch luôn sử dụng lực lượng tin tặc, tán phát mã độc chiếm đoạt thông tin, tán phát tin giả cho các quốc gia theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, sự đối lập về ý thức hệ, các thế lực thù địch đã sử dụng hàng nghìn Website để tán phát tin giả; hàng năm, hệ thống trang Web, Blog này tán phát hàng nghìn lượt bài viết, video clip có nội dung xuyên tạc, kích động, chống phá Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội có nhiều người tán phát thông tin sai lệch, không đúng sự thật đã vô tình tạo thành tin giả, gây tác động tiêu cực cho xã hội.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, tuân thủ công ước, luật pháp quốc tế, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực truyền thông, Internet, mạng xã hội, kèm theo chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi tán phát tin giả trên không gian mạng. Ngày 12/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngày 01/10/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực, trong đó, Điều 9 quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2020; trong đó, quy định chi tiết hành vi vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin. Đặc biệt, tại Điều 101, quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với việc lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân,…

Vấn nạn tin giả chỉ có thể khắc phục khi và chỉ khi có sự đồng thuận, tạo thành sự liên kết, phối hợp giữa các quốc gia, các tổ chức trong nhận diện và khắc phục. Từng quốc gia, dân tộc nhất định phải có các giải pháp tổng thể, từ nâng cao nhận thức cho người dân về tin giả; xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chống lại nạn tin giả, đề cao tính triệt để về chế tài xử lý các đối tượng tán phát tin giả và làm tốt công tác thực thi pháp luật trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông, mạng xã hội.

LĐ11

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét