Đã có những nhận định về khó khăn của kinh tế Việt Nam trong
năm qua và những năm tiếp theo tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn sáng
sủa trong bức tranh chung, nhưng khó khăn của các đối tác sẽ mang lại thách thức
lớn cho khu vực châu Á và Việt Nam nói riêng.
Trong tuần qua, Ngân hàng Phát triển
châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố cập nhật kinh tế vĩ mô tháng
12 cũng như một số dự báo cho năm sau.
Trong báo cáo tháng 12-2022, WB đánh
giá cả hai động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gồm xuất khẩu và nhu cầu trong
nước đều đang chững lại, đồng thời tiêu dùng hậu thời kỳ dịch bệnh COVID-19
cũng đang có dấu hiệu phục hồi chậm. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng sản
xuất công nghiệp giảm còn 5,3% trong tháng 11, thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong
lĩnh vực chế tạo - chế biến lần đầu trượt về vùng suy giảm, thấp hơn mốc 50
điểm, kể từ tháng 10-2021. Doanh số bán lẻ được đánh giá vẫn ở mức cao, nhưng
tốc độ tăng đang giảm dần, đạt 17,5% trong tháng 10-2022 so với 20,7% của cùng
kỳ năm trước.
Giới quan sát hầu hết nhìn nhận rằng
các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn
cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn. Đại dịch
COVID-19, cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng
như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ
đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và
Mỹ.
Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam
được xem là một điểm sáng. Trong báo cáo mới nhất công bố tuần trước, ADB hạ
thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á đang phát triển và Thái
Bình Dương. Theo đó nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và
4,6% vào năm sau.
Đối với Việt Nam, ADB nâng mức dự báo
tăng trưởng kinh tế năm nay lên 7,5%, trong khi lạm phát 2022 được điều chỉnh
xuống còn 3,5%.
Tương tự, Ngân hàng đầu tư Natixis
(trụ sở ở Paris, Pháp) cũng dự báo kinh tế Việt Nam 2022 tăng trưởng 7,5%. Theo
bà Alicia Garcia Herrero - kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương
của Ngân hàng đầu tư Natixis, Việt Nam chính là nền kinh tế châu Á phát triển
nhanh nhất năm 2022.
"Với cơ sở hạ tầng cải thiện từ
đường sá tới năng lượng, nhờ đầu tư mạnh mẽ trong thập kỷ qua cũng như chính
sách tự do hóa thương mại, Việt Nam đã biến mình trở thành điểm đến thu hút đối
với các nhà đầu tư vốn đang muốn đa dạng hóa chuỗi sản xuất khỏi Trung
Quốc", bà Herrero nói với Tuổi Trẻ.
Các dự báo cho năm
2023 đến nay hầu hết đều theo hướng cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển
chậm lại, và điều này sẽ kéo nền tăng trưởng Việt Nam chậm theo, dẫu Việt Nam
vẫn sẽ là một trong những nước "giữ phong độ" tốt nhất.
Chuyên gia Herrero
nhận định thêm với Tuổi Trẻ rằng trong khi Việt Nam đã thu hút thành công sản
xuất từ các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhu cầu thế giới chậm
lại đã tác động đáng kể tới điều này.
"Về tăng trưởng
GDP, chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đạt mức 6,5% trong bối cảnh
tiêu dùng và xuất khẩu chậm lại, và Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế
tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ dòng vốn FDI khỏe mạnh khi các công ty tiếp
tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng...", chuyên gia này nói.
TT11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét