Từ chủ trương, chính sách của Đảng đến Hiến pháp,
pháp luật của Nhà nước đều khuyến khích người có đức, có tài tự ứng cử đại biểu
Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) để góp sức xây dựng đất nước.
Thực
tế đã có những người hội tụ đủ phẩm chất, tiêu chuẩn đã tự ứng cử thành công,
được cử tri bầu làm đại biểu và có đóng góp tích cực cho nước nhà. Bên cạnh đó,
cứ mỗi dịp bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, các phần tử chống phá đều ráo riết thực
hiện chiêu trò tự ứng cử. Khi biết chắc không đạt được mục đích, họ dùng thủ
đoạn bôi nhọ, xuyên tạc công tác bầu cử, qua đó làm giảm niềm tin của cử tri,
nhân dân và tiến tới phá hoại bầu cử. Cuộc bầu cử ĐHQB khóa XV, đại biểu HĐND
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng vậy. Những phần tử chống phá bịa đặt, xuyên tạc
rằng hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ là “nơi đấu tố”. Trong khi họ tung ra những
bảng thu thập chữ ký ảo trên mạng xã hội thì lại rất sợ đứng trước hội nghị cử
tri nơi cư trú-nơi tập hợp những cử tri thật, gần họ nhất, hiểu họ nhất và có
những nhận xét cực kỳ chính xác về họ.
Ứng cử là quyền Hiến định
Từ
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 cho đến tất cả những bản Hiến pháp sau
này đều quy định rất rõ: Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử,
từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (Điều 18, Hiến pháp
năm 1946; Điều 23, Hiến pháp năm 1959; Điều 57, Hiến pháp năm 1980; Điều 54,
Hiến pháp năm 1992; Điều 27, Hiến pháp năm 2013).
Cụ
thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định
công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Luật
quy định rõ: “Người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh
nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên” (điểm b, khoản 1, Điều 36, Luật Bầu
cử ĐBQH và đại biểu HĐND). Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo
cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
cũng nêu rõ: “Bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ
quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”.
Mới
đây, trao đổi với các phóng viên báo chí, Phó chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Hầu A Lềnh đã khẳng định: Tất cả các đợt
bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp từ trước tới nay đều không có cản trở vì
ứng cử là quyền của công dân. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân
thực hiện quyền ứng cử. Người tự ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử đều
cùng chung thủ tục về hồ sơ, quy trình.
Thực
tế đã có rất nhiều người tự ứng cử được cử tri nơi cư trú tín nhiệm cao, vượt
qua các vòng hiệp thương để vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử
ĐBQH, đại biểu HĐND và được cử tri nơi ứng cử tín nhiệm bầu làm ĐBQH, đại biểu
HĐND. Danh sách cụ thể những người tự ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại
biểu HĐND và danh sách những người tự ứng cử được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND
các nhiệm kỳ đều rất dễ tìm thấy trên mạng internet.
Như
vậy, từ chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp, pháp luật đến
thực tiễn đều không có bất cứ hạn chế nào về quyền ứng cử của công dân, ngoại
trừ những trường hợp không được ứng cử quy định tại Điều 37, Luật Bầu cử ĐBQH
và đại biểu HĐND (người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của
tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị
hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người
đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án; người đã chấp hành xong
bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án tích; người đang
chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào
cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn).
Theo
quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, người ứng cử ĐBQH phải đáp ứng
tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội; người ứng cử đại biểu
HĐND phải đáp ứng tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính
quyền địa phương. Do vậy, chỉ những người ứng cử đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới có
tên trên danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần thứ
3. Theo quy định, cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi công tác sẽ nhận xét người
ứng cử có đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không và trực tiếp biểu quyết nhất trí hay
không nhất trí để người đó ứng cử ĐBQH/đại biểu HĐND. Kết quả của hội nghị cử
tri là một trong những căn cứ quan trọng để MTTQ Việt Nam hiệp thương và quyết
định điền tên người ứng cử vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không.
Đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm sàng lọc và loại bỏ những người ứng cử không
đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH, đại biểu HĐND từ trước khi bầu cử.
Những chiêu “rạch mặt ăn vạ”
Những
phần tử chống đối, phá hoại bầu cử biết rất rõ mình không thể đáp ứng đủ tiêu
chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND, đặc biệt là các tiêu chuẩn trung thành với Hiến
pháp; gương mẫu chấp hành pháp luật. Ngay những hành vi chống phá Đảng, không
công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước mà họ
thực hiện đã thể hiện rất rõ họ không trung thành với Hiến pháp và không chấp
hành pháp luật. Vì thế, họ rất sợ các quy trình về hiệp thương, tổ chức lấy ý
kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nguyên tắc
nghị sĩ/đại biểu Quốc hội phải trung thành với Hiến pháp là nguyên tắc được áp
dụng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Ngay tại Mỹ, các nghị sĩ khi
đắc cử cũng phải thực hiện thủ tục tuyên thệ, thề trung thành với Hiến pháp.
Nghị sĩ/đại biểu Quốc hội làm việc tại cơ quan lập pháp, nên chắc chắn không có
nước nào ủng hộ nghị sĩ nước mình không tôn trọng luật pháp, không tuân thủ
pháp luật.
Hơn
ai hết, cử tri nơi người ứng cử cư trú/công tác là những người hiểu rõ về người
ứng cử đó nhất. Nếu người ứng cử thực sự là người có đạo đức tốt, gương mẫu
chấp hành pháp luật thì không có lý do gì phải e ngại việc lấy ý kiến nhận xét
của cử tri nơi cư trú. Quy định về tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri cũng thể
hiện rõ tính khách quan. Cụ thể, theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
tại Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú
được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố,
khối phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Đối với nơi có dưới 100 cử
tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải bảo đảm số lượng cử tri tham
dự đạt ít nhất 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri
trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ
gia đình và phải bảo đảm có ít nhất 55 cử tri tham dự hội nghị. Quy định như
vậy để loại trừ trường hợp lựa chọn cử tri đi dự hội nghị, giúp hội nghị cử tri
nơi cư trú cho ý kiến khách quan nhất, toàn diện nhất về người ứng cử.
Ấy
vậy mà những phần tử chống phá đội lốt “người tự ứng cử” lên tiếng rêu rao trên
mạng xã hội và một số trang thông tin nước ngoài rằng, hội nghị cử tri nơi cư trú
là nơi để đấu tố, lên án, loại bỏ người tự ứng cử. Điều rất hài hước là những
kẻ đội lốt “người tự ứng cử” để chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, phá hoại
bầu cử rất tự tin trưng ra những bản tập hợp chữ ký ảo trên mạng để giới thiệu
ứng cử, nhưng đứng trước cử tri thật ở chính nơi họ cư trú thì họ lại tỏ ra run
sợ. Riêng điều này đã thể hiện rõ sự lòe bịp của họ về những bản “tập hợp chữ
ký” và thể hiện rõ uy tín của họ ở nơi cư trú thảm hại đến mức nào. Đến cử tri
nơi họ cư trú còn không muốn để họ lọt vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng
cử, mà họ còn muốn ra oai đại diện cho cử tri cả nước được sao? Khi không vượt
qua được hội nghị cử tri nơi cư trú, họ bèn sử dụng chiêu “rạch mặt ăn vạ” khi
rêu rao rằng hội nghị cử tri chỉ là nơi đấu tố, lên án họ để loại họ ngay từ
vòng đầu!
Cũng
vì nhận thức rõ với sự quay lưng của cử tri nơi cư trú và với lý lịch bất hảo
về chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm
lợi ích của Nhà nước, xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, họ chắc
chắn không thể vượt qua được các vòng hiệp thương do MTTQ Việt Nam tổ chức, nên
họ rêu rao rằng, tổ chức hội nghị hiệp thương là vi hiến vì Hiến pháp không có
quy định về hiệp thương hay về cơ cấu, thành phần ĐBQH. Chiêu “rạch mặt” này
lại làm lòi ra cái dốt khác của họ về kiến thức pháp luật. Ai am hiểu về luật
pháp cũng hiểu một điều rất đơn giản: Hiến pháp là đạo luật gốc, là đạo luật cơ
bản nên chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất, quan trọng nhất. Không
có một bản hiến pháp nào trên thế giới quy định đầy đủ mọi quy phạm để điều
chỉnh mọi quan hệ xã hội. Chẳng hạn, không thể nói rằng Hiến pháp không quy
định về hợp đồng nên mọi quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh
nghiệp... là vi hiến. Thực tế, quy định về hiệp thương và các bước tiến hành
hiệp thương được thể hiện rất rõ trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nên
việc MTTQ Việt Nam tổ chức hiệp thương là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật
và không vi hiến. Kiến thức sơ đẳng về pháp luật như vậy mà còn không hiểu,
thì những thành phần đó sao đủ tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn, năng
lực để trở thành ĐBQH-người sẽ hoạt động ở cơ quan có chức năng rất quan trọng
là lập pháp?
Vậy,
đằng sau chiêu trò “tự ứng cử” của các phần tử chống đối, phá hoại là gì? Họ
“tự ứng cử” với hy vọng hão huyền nếu trúng cử sẽ biến Quốc hội, HĐND trở thành
diễn đàn cho họ thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây
rối hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và của Nhà nước nói chung, thúc đẩy
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ngay
trong cơ quan dân cử của nước ta. Khi không thực hiện được mục tiêu của mình,
họ quay ra bịa đặt, xuyên tạc để phá hoại bầu cử. Tuy nhiên, dù dùng âm mưu,
thủ đoạn thâm độc, nham hiểm, ngụy quân tử đến mức nào, họ cũng không thể đánh
lừa được cử tri. Bằng chứng là dù đợt bầu cử nào họ cũng ra sức hoạt động, ra
sức “tự ứng cử” nhưng đều bị cử tri nơi cư trú vạch mặt thẳng thừng. Vì cử tri
cực kỳ sáng suốt, nên họ chưa và sẽ không bao giờ thực hiện được mưu đồ thiếu
tử tế của mình.