Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG PHẢN ĐỘNG THÙ ĐỊCH CHỐNG PHÁ CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026 Ở NƯỚC TA

           Thời gian qua một số đối tượng thành viên của “Tổ chức phản động Việt Tân”, “Hội anh em dân chủ”, “Câu lạc bộ Hiếu Đằng” ở trong và ngoài nước lên mạng xã hội xuyên tạc, tuyên truyền chống phá công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền”. Chúng tận dụng triệt để các hình thức như: Thư ngỏ, tâm thư, thông bạch để kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể để xuyên tạc, tuyên truyền kích động; thậm chí chúng sử dụng chiêu trò tự ứng cử nhằm phá hoại Cuộc bầu cử ở nước ta.

Để cổ súy các hành vi trái pháp luật liên quan đến bầu cử nhiều tổ chức phản động lưu vong như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời và một số cá nhân thuộc nhóm chống đối trong nước cũng ráo riết tiến hành các hoạt động xuyên tạc. Chưa dừng lại các trang tin thiếu thiện chí như GFA, VOA, GFI còn làm mọi cách để một số người cổ súy cho các luận điệu kể trên.

Thủ đoạn này không mới, nhưng rất thâm độc, nó thâm độc ở chỗ qua các luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền kích động làm cho các tầng lớp nhân dân hoang mang, mất niềm tin vào kỳ bầu cử, khi đó không sáng suốt lựa chọn được những đại biểu là có tâm, có tầm, có đủ đức, đủ tài để đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Nói về việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội mà các đối tượng tự xưng là nhà dân chủ đang thực hiện, mục đích của chúng là nhằm phá hoại bầu cử; đồng thời thông qua việc tự ứng cử các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân, từ đó kêu gọi sự hậu thuẫn về kinh tế của các tổ chức phản động quốc tế. Chúng ta biết rằng quyền lựa chọn cuối cùng vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân, là ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là sự phổ thông đầu phiếu, trực tiếp của nhân dân. Bản chất thực sự của vấn đề đó là những đối tượng này không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bầu vào Quốc hội, chính vì vậy nhân dân không đồng tình, không chấp nhận và khi không được chấp nhận chúng quay ra xuyên tạc, thậm chí kêu gọi tẩy chay bầu cử, cho rằng bầu cử không minh bạch ....

Càng gần đến thời điểm diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, mức độ chống phá của các đối tượng phản động, phần tử cơ hội chính trị ngày càng gay gắt và tinh vi hơn. Vậy nên các tầng lớp nhân dân cần nâng cao cảnh giác không để cho cá nhân, tổ chức đã từng xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, lạm dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại Cuộc bầu cử lần này.

Thực tế cho thấy, khi có sự kiện chính trị của đất nước diễn ra, chúng ta càng làm tốt thì các thế lực thù địch càng chống phá. Từ khi thành lập cho đến nay Hội đồng bầu cử quốc gia đã khẩn trương triển khai công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi cả nước, theo đúng quy định của pháp luật, tiến độ đề ra, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo Cuộc bầu cử diễn ra thành công.

Để chuẩn bị cho việc lựa chọn ứng cử viên bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Tháng 6/2020 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó nêu rõ: Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Đồng thời Đảng lãnh đạo thực hiện tốt công tác lựa chọn, hiệp thương, những vấn đề về nguyên tắc bầu cử, yêu cầu bầu cử, để bảo đảm cho một cuộc bầu cử khách quan, trung thực, chính xác, phổ thông, bỏ phiếu kín, trực tiếp, dân chủ khách quan và thực sự là ngày hội của quần chúng.

Công tác rà soát lựa chọn ứng cử viên tiêu biểu cũng được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, dân chủ, trong đó bảo đảm đúng, đủ cơ cấu, số lượng đại biểu, đặc biệt là tỷ lệ nữ, người trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số, người ngoài đảng và tái cử. Cùng với đó, quá trình hiệp thương được thực hiện một cách công khai, minh bạch với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Công tác tổ chức hiệp thương của chúng ta được tiến hành 03 lần: Lần thứ nhất hiệp thương cách 95 ngày so với ngày bầu cử chính thức; lần thứ hai hiệp thương cách 65 ngày so với ngày bầu cử chính thức; lần thứ ba hiệp thương cách 35 ngày so với ngày bầu cử chính thức. Qua đó đảm bảo dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu và 76 người tự ứng cử. Để đảm bảo dân chủ, công bằng, một trong những điểm mới của lần bầu cử này là các ứng cử viên của Hội đồng nhân dân được quyền tiếp xúc cử tri 05 cuộc; ứng cử viện đại biểu Quốc hội ít nhất 10 cuộc.

Tới đây, cả nước sẽ tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú để đánh giá uy tín đại biểu. Theo quy định, nếu các ứng cử viên không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Việc lấy ý kiến đảm bảo kịp thời, thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa những người được các cơ quan giới thiệu và những người tự ứng cử.

Quá trình chuẩn bị triển khai vừa qua là minh chứng cụ thể, rõ nét, khách quan, minh bạch, dân chủ trong cơ chế bầu cử. Những luận điệu vu cáo và chống phá của các phần tử phản động, thế lực thù địch, không thể che mắt nhân dân và hiển nhiên bị tẩy chay, lên án./.

ĐC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét