Trong thời
gian gần đây, nhất là gần đến ngày bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các
cấp thì các thế lực thù địch nước ngoài và cơ hội chính trị trong nước đã tăng
cường các hoạt động tuyên truyền, chống phá nước ta. Một trong những nội dung
mà các đối tượng hướng tới là phát động phong trào “không biết không bầu”. Đây
là chiêu thức cũ, vẫn lấy cảm hứng từ những câu chuyện "dân chủ phương
tây", mà chính những xã hội đó đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, hố sâu
ngăn cách các bộ phận nhân dân như những vết thương không cầm máu.
Bất chấp ý nghĩa
tốt đẹp về bầu cử đã được hiến định, quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội
và đại biểu HĐND, thời gian qua, trên mạng xã hội, một số đối tượng cơ hội
chính trị trong nước đã phát động phong trào “không biết không bầu”. Như ngày
25-2, trên Facebook xuất hiện một thông tin có nội dung dưới dạng tờ rơi hỏi và
trả lời được chia sẻ với tốc độ cao. Tại đây, đối tượng đưa ra các câu hỏi như:
Đã từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa? ai là người đại
diện cho quyền, lợi ích của bạn? đã có đại biểu Quốc hội nào đứng ra bảo vệ quyền
lợi cho bạn chưa...?
Phong trào
kêu gọi “không biết không bầu” là rất thâm hiểm. Nó không chỉ cổ vũ cho chủ
nghĩa tự do tùy tiện và chủ nghĩa dân túy vốn đang là ác mộng của nhiều nước
trên thế giới mà nó còn liên quan đến lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền với
những ưu việt đã được khẳng định.
Thực tiễn cho
thấy, việc đưa ra và tuyên truyền, cổ xúy cho phong trào tự phát “không biết
không bầu” là đi ngược lại với quy định của Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu
Quốc hội và đại biểu HĐND. Thế nên, nếu thực hiện phong trào tự phát “không biết
không bầu” thì tự mình đã đánh mất quyền công dân, quyền cử tri mà pháp luật đã
quy định.
Bên cạnh đó, việc phát tán thông tin trái luật đã
khiến cho nhiều người lầm tưởng và hiểu sai lệch chế độ chính trị ở Việt Nam, cổ
vũ cho tư tưởng dân chủ cực đoan, vô lối, chủ nghĩa dân túy. Thực tế, ở các nước
phương Tây, việc bầu nghị viện và bầu ra nhà lãnh đạo đất nước được tiến hành
khá cởi mở. Các ứng cử viên tự do xây dựng đề án, tổ chức các chiến dịch truyền
thông, vận động tranh cử để cử tri lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay việc này đã xuất
hiện những “gót chân Asin” mang biểu hiện lợi ích cục bộ, thao túng chính trị,
tranh giành cử tri bằng mọi giá, triệt hạ đối thủ bằng mọi cách, gây bất bình
giữa các tầng lớp trong xã hội. Những bất ổn, náo loạn, đổ máu... xung quanh bầu
cử lãnh đạo cấp cao của một số quốc gia ngày càng cho thấy những bất đồng, phân
biệt về quyền làm chủ của công dân giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội là
rất khó có thể điều hòa. Những người cổ vũ tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ
trong lúc này chẳng những thiếu hiểu biết, mà còn rắp tâm phá hoại đất nước.
Mặt khác,
phong trào tự phát “không biết không bầu” là một cái cớ để các thế lực thù địch
và những người bất đồng chính kiến có dịp phản bác lại sự ổn định chính trị, ổn
định xã hội ở Việt Nam. Chúng mong muốn hạ thấp vai trò, uy tín của Việt Nam với
bạn bè quốc tế và đối tác, ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Đây
cũng chính là một trong những nguyên nhân có thể cướp đi việc làm, thu nhập của
người lao động trong xã hội và đặc biệt làm giảm động lực tinh thần hướng tới mục
tiêu xây dựng Việt Nam XHCN phát triển.
Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân
cần nêu cao cảnh giác trước những chiêu bài phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 . Đây có thể nói là yêu cầu cấp bách với
nhân dân nói chung và mỗi cử tri nói riêng. Mỗi cử tri cần thận trọng khi tiếp
xúc với mạng xã hội, không chia sẻ, bình luận những thông tin từ những tài khoản
chứa đựng những nội dung có dụng ý xấu. Mỗi cán bộ, đảng viên, phải nêu cao
tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh với những kẻ cơ hội, vạch
rõ âm mưu xấu bẩn của chúng, vận động người thân trong gia đình và những người
xung quanh làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm cử tri trong ngày bầu cử.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét