Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

CƠ SỞ KHOA HỌC XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRONG ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG TA BMĐ

Việc đề ra các mục tiêu trung hạn (10 năm) đến năm 2030 và mục tiêu dài hạn (25 năm) đến năm 2045 có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc; được Đảng ta tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở phân tích thấu đáo bối cảnh quốc tế và thực lực ở trong nước.

Trước hết, đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trung hạn và dài hạn, nên không phải là “hão huyền”, “ngẫu hứng”. Trong lịch sử các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta nhiều lần đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Tại Đại hội VIII (năm 1996), Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2020 - tức là tầm nhìn cho 24 năm sau. Tại Đại hội XI (năm 2011), Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra mục tiêu cho đến giữa thế kỷ XXI: “toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, tức là tầm nhìn khoảng 40 năm.

Thứ hai, các Văn kiện của Đại hội XIII được chuẩn bị rất kỹ lưỡng; được đưa ra thảo luận tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn; đã xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Các Văn kiện đã qua 23 lần chỉnh sửa, sau khi tiếp thu ý kiến xác đáng của các tổ chức, các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia trong nước và quốc tế; các cán bộ, đảng viên của Đảng; các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Thứ ba, thực lực của nước ta sau 35 năm đổi mới đã được nâng lên so với trước rất nhiều, cho phép chúng ta không chỉ có khát vọng, mà còn tạo khả năng để hiện thực hóa các mục tiêu này. Đó là lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), đã ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đó còn là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời gian qua.

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã nêu, Đại hội XIII cũng đề ra những định hướng phát triển và các giải pháp chiến lược, mà tổng quát là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” để phát triển. Trong 5 năm tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược nhằm cụ thể hóa một bước những mục tiêu phát triển đã đề ra.

Điều đó đã khẳng định, khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là “huyễn tưởng” mà là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; vào bản lĩnh và kinh nghiệm dầy dặn mà Đảng, Nhân dân Việt Nam đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo. Đó cũng không phải là khát vọng giản đơn, xuôi chiều mà là khát vọng được bồi đắp trên cơ sở phân tích dự báo, lường đoán kỹ những thời cơ thuận lợi, có thể nắm bắt và phát huy.

Với sự kiên định vào con đường đã chọn; bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất định khát vọng phát triển đất nước với những mục tiêu mà Đại hội XIII xác định sẽ sớm trở thành hiện thực.

Chúng ta cần nhận thức rõ cơ sở khoa học của việc hoạch định đường lối phát triển đất nước của Đảng ta để đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Có như vậy mới góp phần đưa đất nước ổn định, phát triển bền vững.

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét