Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

ĐẤU TRANH VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẦU CỬ


 

Trong khi công tác chuẩn bị cho bầu cử đang được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực tiến hành thì với mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang tập trung triển khai nhiều hoạt động chống phá với tính chất hết sức quyết liệt, trong đó chúng đưa lên hàng đầu việc xuyên tạc vai trò của Đảng trong cuộc bầu cử, gây nhiễu loạn thông tin, kích động dư luận nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vẫn với những lập luận cũ rích rằng "Bầu cử chỉ là "màn kịch dân chủ", Đảng Cộng sản đang độc diễn", "Không có bầu cử dân chủ khi còn thể thức Đảng cử dân bầu"… "Đảng chỉ đạo cơ cấu tỷ lệ đại biểu trước khi bầu, nên sẽ không có một Quốc hội đại diện cho nhân dân", các đối tượng xấu quy kết cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là không chính danh, không đúng pháp luật. Những luận điệu này cho thấy, những kẻ viết và nói không hề hiểu pháp luật Việt nam. Theo Hiến pháp 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội và như vậy thì đương nhiên Đảng cần tập trung lãnh đạo cuộc bầu cử để xây dựng chính quyền nhân dân, và chính sự lãnh đạo ấy giúp cho quá trình bầu cử theo đúng Hiến pháp và pháp luật, phát huy được vai trò của toàn Đảng, toàn dân trong sự kiện quan trọng này. Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rất rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc….”. Tất cả những việc Đảng làm chỉ vì một mục đích duy nhất và cao cả nhất đó là vì lợi ích của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân lao động”.

Thực tiễn hơn 90 năm qua đã chứng minh vai trò lãnh đạo mang tính quyết định của Đảng trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong cuộc bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất, từ đó lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Cùng với việc đưa ra những luận điệu sai trái về tính Dân chủ và vai trò của Đảng trong Bầu cử thì vấn đề về người tự ứng cử và ứng cử viên ngoài Đảng tiếp tục là chiêu bài mà các thế lực thù địch và những đối tượng phản động sử dụng nhằm đưa thông tin sai lệch với mục tiêu lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử... Gần đây, trên mạng xã hội, một số đối tượng tự nhận mình là các "nhà dân chủ" đã rêu rao thông tin mình tự ứng cử và kêu gọi hãy trao quyền cho họ, để họ thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Trên thực tế, những thành phần cơ hội này thường không đủ tiêu chuẩn ra ứng cử, khi mà phần lớn họ đều chưa đủ tiêu chuẩn để là 1 công dân gương mẫu, có ích cho xã hội, thậm chí còn không được chính người dân nơi họ đang cư trú tín nhiệm. Vì thế, khi không đạt được số phiếu lựa chọn từ nơi cư trú, những "nhà dân chủ" rởm này lại tìm cách lu loa trên các trang mạng xã hội rằng quy trình giới thiệu người ứng cử là do Đảng "đạo diễn", việc tự ứng cử của các ứng cử viên như họ luôn vấp phải cản trở, bị gây khó dễ... hay lâu nay số người tự ứng cử lọt vào Quốc hội gần như là con số không. Trên thực tế, quá trình giới thiệu ứng cử viên và người tự ứng cử hay ứng cử viên ngoài Đảng ở Việt Nam hoàn toàn minh bạch, công khai và dân chủ, do chính cử tri ở các cấp cơ sở sáng suốt lựa chọn bằng lá phiếu tín nhiệm.

Có thể thấy, những luận điệu chụp mũ, xuyên tạc về người tự ứng cử, những luận điệu sai trái về người ngoài Đảng ra ứng cử được một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước liên tục đăng tải hòng làm nhiễu loạn thông tin, gây dư luận tiêu cực, chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng điều mà các đối tượng này đang cố tình không hiểu rằng, trong nhiều khóa Quốc hội trở lại đây, các đại biểu tự ứng cử, các đại biểu là người ngoài Đảng ngày càng có năng lực với nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động lập pháp của Quốc hội. Thậm chí có những đại biểu tự ứng cử 3-4 nhiệm kỳ mà vẫn đạt số phiếu tín nhiệm cao. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất của tính minh bạch, dân chủ và không cản trở gì người tự ứng cử và người ngoài Đảng ứng cử.

Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, công tác bầu cử dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được tổ chức khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc dân chủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cả xã hội, cũng như phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi người Việt Nam có lương tri và có trách nhiệm đối với xây dựng đất nước đều nhận thấy, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, cần nghiêm túc thể hiện trách nhiệm công dân, thực hiện tốt Hiến pháp và pháp luật.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, mỗi cán bộ Đảng viên, người dân trong và ngoài nước đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cần tỉnh táo tiếp nhận những thông tin đúng, chính thống để giữ vững niềm tin và hành động đúng đắn tránh rơi vào luận điệu xuyên tạc, sai trái của những tổ chức, cá nhân phản động, góp phần giữ vững ổn định, đóng góp vào thành công trong ngày hội lớn của đất nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét