KIÊN QUYẾT BẢO VỆ
VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN
BIỂN ĐẢO VIỆT
NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI
(ĐBT-st)
Biển
đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với
đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Không
chỉ có nguồn tài nguyên phong phú với giá trị khai thác kinh tế lớn, vùng biển
nước ta còn giữ vị trí địa chiến lược, an ninh quốc phòng quan trọng. Từ bao đời
nay, ông cha ta đã đổ bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng
biển của nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng căn dặn: “Ngày trước
ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài,
tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Biển
Đông có vị trí chiến lược quan trọng cả về mặt an ninh - quốc phòng lẫn thương
mại quốc tế đối với các quốc gia trong khu vực do nằm trên tuyến đường hàng hải
nhộn nhịp bậc nhất thế giới với mật độ tàu thuyền trọng tải lớn qua lại trung
bình khoảng trên 41.000 chiếc/năm. Theo tài liệu nước ngoài, hơn 90% lượng vận
tải thương mại thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải
đi qua vùng Biển Đông với trị giá khoảng 5.000 tỷ USD/năm, hơn 80% lượng dầu nhập
khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) được chuyên
chở qua đây; lượng khí hóa lỏng được vận chuyển qua Biển Đông chiếm 2/3 tổng số
lượng khí hóa lỏng được buôn bán trên thị trường thế giới.
Hơn
nữa, Biển Đông còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với đời sống
và việc phát triển kinh tế của các quốc gia ven biển, đặc biệt là nguồn tài
nguyên sinh vật (thủy sản) và dầu khí. Theo ước tính, 70% dân số các nước Đông
Nam Á sinh sống ven biển và lượng thủy hải sản đánh bắt ở khu vực Biển Đông chiếm
khoảng 10% tổng trữ lượng đánh bắt trên thế giới, cung cấp 25% nhu cầu protein
cho 500 triệu dân. Biển Đông là khu vực rất có tiềm năng về mặt dầu khí. Mặc dù
số liệu đánh giá về trữ lượng còn khác nhau, song dầu khí được tìm thấy ở hầu hết
các địa điểm trong khu vực Biển Đông và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển
của nhiều quốc gia, như In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái
Lan... kể từ khi dầu khí được phát hiện và khai thác ở Biển Đông.
Biển
Đông có vai trò quan trọng đặc biệt với nước ta cả về kinh tế, chính trị, an
ninh quốc phòng do nước ta có đường bờ biển dài trên 3.260km với hơn 3.000 hòn
đảo, gần tổng số các tỉnh, thành trong cả nước là địa phương ven biển và rất
nhiều ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước, như dầu khí, du
lịch, xuất khẩu thủy - hải sản, đóng tàu... đều liên quan mật thiết đến Biển
Đông. Biển Đông cũng là địa bàn xung yếu về mặt an ninh quốc phòng, hướng phòng
thủ quan trọng của đất nước ta.
Xuất
phát từ tầm quan trọng đó, Biển Đông trở thành một trong những khu vực tồn tại
nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, nếu xử lý không thích hợp, dễ dẫn đến
nguy cơ xung đột quân sự, thậm chí chiến tranh, tác động tiêu cực đến ổn định,
hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, gia tăng cạnh tranh
chiến lược giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực cũng khiến tranh chấp và
tình hình ở khu vực Biển Đông thêm phức tạp, khó lường.
Trong
những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, quân và dân
ta đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm quản lý và bảo vệ chủ quyền biển,
đảo của Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển. Thành tựu về quản lý, bảo
vệ chủ quyền biển, đảo đã được Đại hội XII của Đảng khẳng định: “quốc phòng, an
ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định
để phát triển đất nước”. Tuy nhiên, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức
tạp hơn đòi hỏi các giải pháp tổng thể về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp
tác quốc tế, kinh tế, xã hội.
Hiện
nay, tình hình quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta khá
phức tạp, hàm chứa nhiều nhân tố bất ổn, đó là: tranh chấp ở Biển Đông ngày
càng diễn biến phức tạp, tác động và ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình và phát
triển của đất nước ta; tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, khó
lường, xuất hiện nhiều nhân tố mới có tác động sâu sắc đến trật tự và cục diện
thế giới, tác động trực tiếp đến phát triển tình hình ở khu vực Biển Đông; sự
phối hợp, thống nhất về nhận thức và hành động trong nhân dân và một số cán bộ
về vấn đề chủ quyền biển, đảo còn chưa cao, dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo, điều
hành; các thế lực phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lợi dụng vấn
đề biển, đảo để chống phá Đảng và Nhà nước ta; kinh nghiệm quản lý biển, đảo của
chúng ta còn hạn chế, năng lực, trang thiết bị của các lực lượng thực thi pháp
luật trên biển cần tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Là
một bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia Việt Nam, không gian sinh tồn và là điều
kiện vật chất để xây dựng, phát triển đất nước, biển, đảo có tầm quan trọng đặc
biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và phát triển của đất nước ta. Do đó,
quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không chỉ có ý nghĩa
là bảo vệ không gian lãnh thổ, lợi ích mọi mặt mà còn là bảo vệ chế độ, Nhà nước.
Trong
bối cảnh tình hình tranh chấp ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, song với
truyền thống bất khuất của dân tộc, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân, chúng ta đã bảo vệ vững chắc chủ quyền. Cùng với đó là việc ta đã giữ
vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, quyền và lợi ích trên các
vùng biển Việt Nam thông qua việc duy trì hệ thống và hoạt động của các nhà
giàn DK trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Kiên
trì, kiên quyết đấu tranh đối với các vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này được thể hiện nhất quán
trong các văn bản pháp luật về biển đã được ban hành, như Nghị quyết của Quốc hội
năm 1994 phê chuẩn Công ước Luật Biển cũng như trong các phát biểu, tuyên bố
chính thức khác của Việt Nam. Ngày 05/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết
số 26/NQ-CP về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng
thời, ta đấu tranh kiên quyết, phù hợp trên thực địa và trên mặt trận ngoại
giao, dư luận trước mọi vi phạm của các nước đối với chủ
quyền biển, đảo Việt Nam. Bên cạnh việc kịp thời triển khai các biện pháp đấu
tranh kiên quyết với các bên liên quan trước các vụ, việc phức tạp nảy sinh ở
Biển Đông, ta cũng có nhiều biện pháp chủ động, ngăn ngừa các vi phạm chủ quyền,
quyền và lợi ích hợp pháp của ta trên biển.
Ta
đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, quyền và lợi ích hợp pháp của ta trên biển,
cả trên bình diện song phương, khu vực và các diễn đàn đa phương toàn cầu, trên
cả kênh chính thức và học giả dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Việc đấu
tranh đối với các vi phạm chủ quyền biển, đảo ở khu vực Biển Đông thời gian qua
đã đạt nhiều kết quả tích cực, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận quốc tế về
sự nghiệp chính nghĩa của ta, lên án các hành động vi phạm chủ quyền của Việt
Nam.
Các
lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư
tích cực, chủ động tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện
và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, qua
đó góp phần tích cực vào việc duy trì an ninh trật tự, an toàn trên biển, thể
hiện rõ vai trò quản lý và bảo vệ vùng biển của Việt Nam.
Bài
học kinh nghiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Trên
cơ sở đánh giá các thành tựu cũng như những vấn đề còn tồn tại trong công tác
quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, có thể rút ra một số bài học
kinh nghiệm sau:
Một
là, chủ quyền biển, đảo là vấn đề thiêng liêng đối với Đảng, Nhà nước và dân tộc
ta. Do đó, bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phải phát huy sức mạnh của toàn dân tộc
dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, trong đó có sự phân
công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng cấp.
Hai
là, quản lý và bảo vệ chủ quyền phải dựa trên nền tảng bất biến là chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, không thể để bị xâm phạm, song cũng cần linh
hoạt trong biện pháp triển khai theo từng thời điểm, từng hoàn cảnh với mục
tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ba
là, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nêu cao chính nghĩa của ta
nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tạo dựng sự đan xen về lợi
ích mọi mặt để hình thành môi trường thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền
biển, đảo.
Bốn
là, tạo sự đồng thuận và nhất trí cao giữa các cơ quan nhà nước, giữa các bộ và
nhân dân về chủ trương, đường lối quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo để phát
huy sức mạnh toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Năm
là, tích cực, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm chủ quyền của
Việt Nam thông qua hợp tác chính trị, quốc phòng - an ninh; răn đe về mặt quân
sự; đề cao ý chí bất khuất, kiên cường, anh dũng của dân tộc trong suốt chiều
dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét