Truy cập vào mạng Internet, sẽ bắt
gặp những trang mạng xã hội facebook, blog, Twitter… do các đối tượng xấu, thế
lực thù địch đăng tải các luận điểm xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta. Trên những trang mạng này,
các đối tượng, phần tử xấu có tư tưởng thù địch đã rêu rao những nội dung đại
loại như: “đang có cuộc thanh trừng, đấu đá nội bộ trong Đảng”, “cuộc chiến
chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh”, rồi “tăng cường phòng, chống tham
nhũng chỉ là chiêu trò mị dân”, “chống tham nhũng chỉ là hô khẩu hiệu”
v.v...Thông qua những bài viết cực đoan, suy diễn không đúng bản chất về vấn đề
tham nhũng ở nước ta, số phần tử xấu này rắp tâm dựng lên một bức tranh toàn
gam màu tối. Thông qua đó, phủ nhận những nỗ lực, sự quyết liệt trong cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã và
đang chỉ đạo.
Các đối tượng lợi dụng triệt để thông tin một
vài vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ, đảng viên đã bị đưa ra ánh sáng
pháp luật nhằm suy diễn, xuyên tạc, bóp méo quan điểm rồi cho rằng tham nhũng
là bản chất, là hệ quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, của cơ chế lãnh đạo tuyệt
đối của Đảng. Nếu ai đã từng đọc những thông tin nhảm nhí, xuyên tạc thực tiễn
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay trên các trang
mạng xã hội do các thế lực thù địch ngụy tạo ra, sẽ không khó để nhận ra những
âm mưu thâm hiểm đi kèm. Đó chính là sự xúi giục, âm mưu kích động nhân dân ta
đứng lên đòi thay đổi cương lĩnh, thể chế chính trị, hòng xóa bỏ vai trò lãnh
đạo của Đảng, chuyển xã hội ta sang một xã hội “đa nguyên, đa đảng”. Ở nước ta,
cách đây gần 74 năm, Cách mạng Tháng Tám vĩ đại thành công đã lập nên Nhà nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945). Ngay từ thời điểm bấy giờ, Nhà nước và
Chính phủ đã nhận ra quy luật tất yếu của sự hình thành tệ tham nhũng trong xã
hội. Chính bởi vậy, hàng loạt dấu hiệu, biểu hiện về tham ô, hối lộ, lạm dụng
chức vụ quyền hạn… đã được Nhà nước, Chính phủ ta chỉ ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh
– sinh thời đã từng nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân
dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm
mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng việc của ta…”.
Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi
tham ô, tham nhũng, lãng phí là kẻ thù của Chính phủ, của nhân dân. Còn nhớ,
sau khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khai sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ
rõ: “…Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi
thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian
xảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo
dục lại nhân dân chúng ta… Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần
nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.
Tiếp tục các nghị quyết của những
khóa trước, việc chúng ta đang tích cực triển khai và thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó lưu ý
tới công tác phòng, chống tham nhũng.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua,
đã có nhiều vụ án về tham nhũng nghiêm trọng bị cơ quan chức năng điều tra, xử
lý. Minh chứng như vụ án “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn
trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt
Nam; vụ án “Tham ô tài sản; rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên
Vận tải viễn dương Vinashin; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản
lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi
hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín
dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.
Từ những kết quả trên cho thấy, công
tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua luôn được Đảng, Nhà nước, Chính
phủ ta coi trọng và đã cho những kết quả khả quan; góp phần tích cực vào việc
phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và
nhân dân đối với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.
Qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã đúc kết và “vạch mặt” những biểu hiện cũng
như đề ra các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng. Nghị quyết Trung ương
4 (Khóa XII) cũng đã khẳng định: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền
hạn câu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm
dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham
nhũng, tiêu cực” là một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nghị quyết đã lưu ý việc phải phát
huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo
chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng,
lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao hiệu quả hoạt
động của Ban Chỉ đạo Trung ương và cơ quan thường trực về phòng, chống tham
nhũng…; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của
các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao
hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với
những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật. Trong đó, trước mắt tập
trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã
hội và nhân dân quan tâm và công khai kết quả xử lý.
Như vậy, có thể thấy rằng, Đảng và
Nhà nước ta không phủ nhận tệ tham nhũng đã và đang tồn tại gây ra nhiều hậu
quả cho xã hội. Và để ngăn chặn tệ tham nhũng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã,
đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt đấu tranh, đẩy lùi tệ
tham nhũng, củng cố niềm tin ở nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng
nhằm thực hiện âm mưu, chiến lược “Diễn biến hòa bình”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét