Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG LÀ LÀM “SẠCH” BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VỚI TINH THẦN "KHÔNG CÓ VÙNG CẤM, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ, BẤT KỂ NGƯỜI ĐÓ LÀ AI", LÀ VIỆC LÀM KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ, THƯỜNG XUYÊN


            Trong thời gian vừa qua, liên tiếp đã có không ít đường dây, lợi ích nhóm, rất nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng của cán bộ trong bộ máy Nhà nước được đưa ra ánh sáng. Sức nóng của “lò lửa” chống tham nhũng, tiêu cực đã truyền xuống các địa phương…Thực tế, kết quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 từ Ban Chỉ đạo Trung ương cho thấy, thời gian qua, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ với 4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ với 4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ với 4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án, 939 bị can.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo xử lý 108 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tân Hoàng Minh, Công ty AIC, vụ kít test của Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát;...

Điều đáng quan tâm nhất, liên quan đến các vụ việc đã được đưa ra ánh sáng thời gian qua, nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu có sai phạm đều được đưa ra xử lý, trong đó, đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Với niềm tin và quyết tâm “làm đến cùng, không bỏ giữa chừng”, công tác chống tham nhũng, tiêu cực đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tỉnh, ủng hộ và đánh giá cao, góp phần quan trọng vào việc làm trong sạch bộ máy Nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Điều đó khẳng định một chân lý: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì bộ máy lãnh đạo các cấp sẽ ngày càng trong sạch hơn. Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng không làm “nản chí”, “chùn bước”, “sợ sai không dám làm” của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Đồng thời với quan điểm chặt cành sâu để cứu cây; chặt bỏ một cây bệnh để cứu cả cánh rừng, đó là mục đích cao nhất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng là một trong những cách tốt nhất để loại ra khỏi hàng ngũ những cán bộ hư hỏng, tham lam, vị kỷ, vun vén cá nhân. Đây được coi là cuộc thanh lọc quyết liệt và đau đớn ấy cũng sẽ tạo điều kiện cho một lớp cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đổi mới để cống hiến nhiều hơn cho nước cho dân; biết yêu cái tốt, căm thù cái xấu xa đen tối để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, để trong mắt dân, đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngày càng trong sạch hơn, đạo đức hơn”. Thanh lọc không đồng nghĩa với “thanh trừng nội bộ”. Thanh lọc là làm cho trong sạch hơn, vì lợi ích của quốc gia dân tộc. “Thanh trừng nội bộ” là việc làm bần tiện vì lợi ích của một nhóm, cá nhân nào đó.

VL11

 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét