Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

KIÊN ĐỊNH ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI QUỐC PHÒNG


Quan điểm và chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đã xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng, chính sách “bốn không” của Việt Nam đã không phù hợp, thực hiện chính sách “bốn không”, Việt Nam sẽ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế. Nội dung và chiêu thức xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng đặc biệt nguy hiểm, Một trong những thủ đoạn đó là chúng cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự trói tay mình”, là chính sách “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”, nếu không thì không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước. Đây là luận điệu hoàn toàn mang tính xuyên tạc, suy diễn làm méo mó, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước và làm giảm uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế.

Không thể nói rằng, thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự trói tay mình”, “cần phải thay đổi”, nếu không thì không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền đất nước. Đây thực chất là nhằm tạo ra sự hoài nghi, hoang mang, dao động, từ đó đẩy nước ta rơi vào sự lệ thuộc, phụ thuộc mới. Cần khẳng định rõ rằng, trong lịch sử từ trước tới nay, nhân dân Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc luôn dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần tự lực tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Chính sách quốc phòng “bốn không”, mà trọng yếu là không liên minh quân sự, là biểu hiện đặc thù của đường lối, chính sách độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng trong bối cảnh lịch sử mới, là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Thực hiện chính sách này, chúng ta mới có thể kết hợp và phát huy tốt nhất các nguồn sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền. Nghiêng về bên này hay ngả về bên kia, tức là phụ thuộc vào một nước lớn nào đó đồng nghĩa với việc bị mất độc lập, tự chủ. Bị phụ thuộc, mất độc lập, tự chủ thì vấn đề “bảo vệ độc lập, chủ quyền” cũng không còn ý nghĩa, không còn giá trị.

Liên minh quân sự thường gây nhiều hệ lụy tiêu cực, trong nhiều trường hợp và tình huống cụ thể, có những diễn biến bất lợi, rất khó lường. Thứ nhất, liên minh quân sự dẫn đến gia tăng sự căng thẳng, đối đầu giữa các nước trong liên minh và ngoài liên minh, dễ “biến” những nước ngoài liên minh, nhất là nước lớn trở thành “đối trọng”, thậm chí trở thành “đối thủ”, dù liên minh có tuyên bố là tự vệ, không nhằm chống lại ai; thứ hai, các nước “nhỏ hơn” trong liên minh có thể phải hy sinh hoặc hy sinh một phần lợi ích của mình, nhất là vấn đề độc lập, chủ quyền, quyền tự quyết; thứ ba, các nước “lớn hơn” thường tác động, chi phối các nước “nhỏ hơn”, và thỏa hiệp, “mặc cả” với nhau vì lợi ích chiến lược của họ; thứ tư, dù có liên minh, nhưng không có nước nào lại hy sinh lợi ích của mình chỉ vì lợi ích của nước khác. Trong bối cảnh đó, liệu hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc của nước nhỏ hơn có được bảo đảm không? Chắc chắn là không! Những vấn đề tiêu cực và hệ lụy đó của liên minh quân sự trong thế giới đương đại càng trở nên rõ ràng.

Như vậy, với chính sách “bốn không” trong quan hệ quốc phòng, Việt Nam có thể đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm chủ quyền, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Không tham gia các liên minh quân sự không đồng nghĩa với việc chúng ta bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài. Trong lĩnh vực quân sự, nước ta vẫn là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, luôn có sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, thực hiện cam kết vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là, chúng ta đã cử Sĩ quan liên lạc công tác ở Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, v.v.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, trước các mối quan hệ rất nhạy cảm của Việt Nam với các nước lớn, nếu chúng ta thực hiện liên minh quân sự với một cường quốc nào đó, thì những hệ lụy tiêu cực trên càng nguy hiểm, trở thành “hợp lực” tác động tổng hợp, đặt hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền của đất nước và sự tồn vong của chế độ trước nguy cơ rất khó lường. Chính vì vậy, đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng ta hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức đầy đủ chính xác nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách Quốc phòng “Bốn không” mà Đảng và Nhà nước ta đang kiên trì thực hiện đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình, xu thế phát triển của thế giới hiện đại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với đường lối đối ngoại Quốc phòng. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, xây dựng mặt trận chính trị tư tưởng kiên định vững vàng, làm cơ sở vững chắc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VD11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét