Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

QUAN ĐIỂM CỦA BLOGGER TRẦN DUY NHẤT VỀ “ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ QUYỀN CỬ TRI” LÀ CẢM TÍNH, KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN

      Ngày 01/11/2018, trên trang cá nhân (Blogger Trần Duy Nhất) đã đăng tải bài viết “Đại biểu Quốc hội và quyền cử tri” có dụng ý phủ nhận vai trò các đại biểu Quốc hội và quyền cử tri, cho rằng các đại biểu tham dự Quốc hội đã được chỉ định trước, trong bầu cử chỉ có nhiệm vụ cầm lá phiếu giơ lên bầu các ứng viên theo chỉ đạo của ĐCSVN, còn việc tiếp xúc lấy ý kiến cử tri chỉ là hình thức - họ là những người thấp cổ bé họng không có vai trò gì cả. Theo tôi, quan điểm trên của Trần Duy Nhất là cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, làm giảm vai trò, uy tín và quyền lực của Quốc hội - cơ quan Lập pháp cao nhất của nhà nước Việt Nam, thiếu tôn trọng các đại biểu và nhân dân.
Như thực tế chúng ta đầu đã thấy, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển toàn diện đất nước trong thời kỳ mới, Quốc hội có một vị trí đặc biệt quan trọng. Quốc hội cần hoạt động hiệu quả, xứng với tầm vóc, vị thế là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong bộ máy nhà nước ta. Do đó, đại biểu Quốc hội trở thành nhân tố giữ vai trò quyết định đến vị thế của Quốc hội. Vai trò trung tâm và hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố khởi nguồn tạo nên sức mạnh của Quốc hội.
1. Đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội là những công dân tiêu biểu trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước và xã hội được nhân dân tín nhiệm bầu ra thông qua tổng tuyển cử tự do - hình thức bầu cử được đánh giá có tính phổ biến, hiện đại và dân chủ nhất trong các hình thức bầu cử. Hoạt động của đại biểu Quốc hội để biểu hiện quyền lực tối cao của nhân dân trong nhà nước của mình. Theo  Lênin, các đại biểu Quốc hội là những người “tự mình công tác, tự mình áp dụng những luật pháp của mình, tự mình kiểm tra lấy những tác dụng của luật pháp ấy, tự mình chịu trách nhiệm trước cử tri của mình”.
Đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước. Do đó, đại biểu Quốc hội có quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân địa phương và nhân dân cả nước, chịu trách nhiệm trước nhân dân, bị cử tri bãi miễn nếu không hoàn thành nhiệm vụ đại biểu.
Với tư cách là một bộ phận cấu thành nên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại biểu Quốc hội trở thành cầu nối kết chặt mối quan hệ bền vững giữa chính quyền nhà nước với nhân dân. Do đó, đại biểu Quốc hội phải đủ khả năng tham gia xây dựng luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và có mối quan hệ mật thiết với cử tri để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Điều 79 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa những quy định trên và khẳng định sâu sắc vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội:
1.  Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước.
2. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
3. Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật”.
Quá trình tổ chức và hoạt động của Quốc hội cho thấy, kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội từ khóa I cho đến nay luôn gắn liền với vị trí pháp lý đặc biệt của đại biểu Quốc hội. Vị thế của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao, vì “đại biểu Quốc hội về bản chất mới thực sự là trung tâm trong mọi hoạt động của Quốc hội”(2). Đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu quả, mạnh mẽ, sáng suốt sẽ tạo nên Quốc hội hoạt động thực chất, hiệu quả, sức mạnh quyền lực của Quốc hội sẽ lan tỏa trong các cơ quan khác của bộ máy nhà nước.
Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, hoạt động của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo các phương thức chủ yếu sau:
+ Tham gia các kỳ họp của Quốc hội;
+ Tham gia các phiên họp của các cơ quan của Quốc hội mà đại biểu Quốc hội là thành viên;
+ Tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu với tư cách cá nhân đại biểu Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định;
+ Tiến hành các hoạt động nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra theo chương trình công tác của Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên hoặc theo yêu cầu của cử tri nơi mình ứng cử và của nhân dân cả nước;
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội còn hoạt động bằng nhiều phương thức linh hoạt khác như: thu thập thông tin, giao tiếp, phân tích vấn đề… do cá nhân đại biểu vận dụng phù hợp năng lực cá nhân để hành nghề một cách chuyên nghiệp.
2. Quyền của cử tri
Ngay từ Quốc hội đầu tiên (1946) cho đến nay, trong suốt quá trình từ khi chuẩn bị cho đến ngày bầu cử, cử tri có nhiều quyền đã được luật pháp quy định. Đó là quyền lựa chọn người ứng cử; quyền được nghe chương trình hành động và chất vấn ứng cử viên; quyền được tự mình cầm lá phiếu đi bầu. Sau khi đã bầu được các đại biểu đại diện, cử tri có quyền được biết các hoạt động trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND; được trình bày ý kiến, kiến nghị với những người đại diện của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước...
 Thực hiện tốt các quyền này, mỗi cử tri sẽ là “một viên gạch” xây dựng nên nhà nước của dân, do dân, vì dân. Thế nhưng, thực tế ở nhiều nơi cử tri đã tự đánh mất những quyền cơ bản và quan trọng ấy. Những biểu hiện dễ thấy là, nhiều cử tri đi dự họp với người ứng cử mà không tham gia ý kiến gì; tiêu chuẩn, chất lượng người đại biểu không nắm chắc. Khi dự hội nghị cử tri nghe ứng cử viên trình bày chương trình hành động cũng không nhớ được gì... Tự mình cầm lá phiếu đi bầu là quyền cơ bản và quan trọng nhất của cử tri được Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định rõ tại Điều 69. Theo đó, mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Như vậy, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác làm thay. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử phải mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để họ thực hiện bầu cử...
Các kỳ bầu cử trước, đó đây vẫn còn kiểu một người đi bầu thay cho cả nhà, thậm chí cầm cả xấp phiếu bầu giùm cho cả xóm. Một số thanh niên cũng rất thờ ơ với hoạt động bầu cử... Như vậy, cử tri không chỉ coi nhẹ quyền lợi của mình mà còn vô tình vi phạm pháp luật về bầu cử. Càng ngày vai trò của đại biểu Quốc hội, HĐND càng lớn và ít đi những đại biểu chỉ biết bấm nút và giơ tay. Thực sự đã có nhiều đại biểu tranh luận với những lập luận xác đáng, làm nóng nghị trường, kéo cử tri phải ngồi trước màn hình tivi mỗi khi truyền hình trực tiếp. Nhiều vấn đề cụ thể được đưa vào luật, đi vào đời sống và được nhân dân tiếp nhận. Đó là kết quả của một quá trình đổi mới, đồng thời phản ánh rõ nét cử tri thực hiện tốt các quyền của mình bằng lá phiếu để tìm được những người xứng đáng nhất để thông qua các đại biểu Quốc hội giới thiệu dự bầu vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý của nhà nước./.  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét