Thời gian
qua, một số đối tượng xấu gia tăng hành vi tuyên truyền tà đạo, lôi kéo người
dân tham gia hoạt động tâm linh mờ ám, phi pháp trên không gian mạng. Nếu không
tỉnh táo, cảnh giác, người dân sẽ dễ bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động tôn
giáo trái pháp luật và có thể gánh chịu những hậu quả khó lường.
Ngày
13/5/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao,
Công an tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1975) và ông Nguyễn
Chu Truyền (sinh năm 1948) trú tại phường 1, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng về
hành vi phát tán thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Hai đối tượng trên
là thành viên cốt cán, thành lập, điều hành nhóm tự xưng “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Điều
đáng nói là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp,
khó lường, nhóm người này đã lên mạng xã hội rêu rao rằng: “Dịch Covid-19 này
không phải là một cơn dịch thiên nhiên là do ma quỷ xen vào…Việc tiêm vắc-xin
phòng Covid-19 là để đưa các mầm bệnh khác vào cơ thể, làm phân hủy hệ gene của
con người…”. Không chỉ tuyên truyền sai sự thật về dịch bệnh, thời điểm nhiều địa
phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, nhóm “Trừ quỷ
Bảo Lộc” đã nhận chữa bệnh cho cả những người mắc Covid-19 bằng cái được gọi là
“nguồn thánh thiêng” nhưng thực chất là nước giếng đóng chai, và tuyên truyền rằng
đó là “nước Chúa” cho xuống để rửa sạch và tiêu diệt vi-rút trong không khí. Đồng
thời các thành viên của nhóm thường xuyên đăng tải, tán phát nhiều thông tin,
video trên mạng xã hội YouTube, Facebook… nhằm lôi kéo nhiều người tham gia. Đến
nay nhóm đưa lên mạng xã hội hàng trăm video clip với nội dung không đúng sự thật
để tuyên truyền “giáo lý”, “chữa bệnh online”,…
Lợi dụng bối
cảnh dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người phải làm việc chủ yếu qua mạng
internet, các tà đạo biến tướng nhanh chóng khuếch trương thanh thế, thực hiện
mọi chiêu thức thu hút “con nhang đệ tử”. Họ thường xuyên tổ chức các buổi
livestream, hội thảo trực tuyến để tuyên truyền giáo lý với những lời lẽ đường
mật khiến nhiều người dễ bị mê hoặc, dẫn dụ. Chưa kể với lực lượng “quân xanh”
đông đảo tạo hiệu ứng đám đông, khiến những người mới tham gia dễ bị tác động
tâm lý, vội vàng tin và nghe theo những gì chúng tuyên truyền.
Từ các buổi
sinh hoạt mở, miễn phí để chiêu mộ thành viên, các tổ chức sinh hoạt tôn giáo bất
hợp pháp rút dần vào hoạt động bí mật, với các nhóm đã được chúng kiểm soát chặt
chẽ. Người tham gia phải cam kết tuyệt đối trung thành, có trách nhiệm đóng góp
kinh phí dưới danh nghĩa làm từ thiện, mua tài liệu, thực phẩm dưỡng sinh,… Các
hoạt động tà đạo biến tướng trên mạng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế đối với
người nhẹ dạ tham gia, mà còn tuyên truyền luận điệu phản khoa học, xúc phạm đến
các tôn giáo chân chính, dẫn dắt khiến người tham gia u mê, thậm chí dẫn đến
các hành vi đi ngược với đạo đức, thuần phong mỹ tục như: đập bỏ bát hương, tự
cho mình được chúa trời sinh ra nên đối xử tệ bạc với cha mẹ, có bệnh nặng
không chữa trị mà chỉ tin, nghe theo việc cúng bái phản khoa học…
Nguy hiểm
hơn, một số tổ chức phản động lợi dụng sự tự do của mạng xã hội, đã lập ra các
hội nhóm mang danh nghĩa sinh hoạt tôn giáo nhưng thực chất là tuyên truyền gây
chia rẽ vùng miền, công kích, xuyên tạc chủ trương đường lối, chính sách của Đảng,
Nhà nước, chống phá chế độ.
Việt Nam luôn
coi trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân; nỗ lực bảo đảm
các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Các cá nhân
có quyền theo hoặc không theo tôn giáo; không phân biệt đối xử vì lý do tôn
giáo, tín ngưỡng; hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo hộ bằng pháp luật.
Đồng thời pháp luật Việt Nam cũng quy định không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng,
tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Hiện nay
chính quyền các cấp cũng như cơ quan chức năng có liên quan đang tích cực đẩy mạnh
tuyên truyền cộng đồng thực hành tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật; thường
xuyên rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm hoạt động tôn giáo trái phép, gây mất an
ninh trật tự xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng. Tuy nhiên, công tác này
chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự hợp tác của cộng đồng. Bởi vậy về phía
người dân, để thực hành tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, trong khuôn khổ pháp luật,
nên lựa chọn tham gia các tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp, thận trọng, tỉnh táo
trước hiện tượng tôn giáo mới, không để bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động tâm
linh mờ ám, phi pháp, nhất là khi tham gia mạng xã hội.
Các cá nhân cần
tạo lập đời sống văn hóa lành mạnh, sống hướng thiện, nhận thức đúng đắn về các
sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, cộng đồng tăng cường kết nối, tương trợ nhau,… nhờ
vậy sẽ hình thành khả năng tự đề kháng trước hoạt động núp bóng tôn giáo, phản
văn hóa, đi ngược thuần phong mỹ tục cũng như quy định của pháp luật.
DM.11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét