Khi cả nước đang tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động
kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022) thì
trên Internet và một số trang mạng xã hội lại xuất hiện một số bài viết có nội
dung phán xét, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn này của nhân
dân Việt Nam.
Chúng trắng trợn rêu rao rằng: “Cách mạng Tháng
Tám không phải là làm cách mạng mà thực chất là cướp chính quyền, cướp quyền
của dân”, “Cách mạng Tháng Tám chỉ là sự ăn may”, “Việt Minh đã nhanh tay cướp
lấy thành quả của Đồng minh chống phát xít, khi quân Đồng minh chưa kịp vào
Đông Dương để giải giáp quân Nhật”, “Sau cách mạng, không có gì thay đổi ở Việt
Nam”, “vẫn là chế độ Đảng trị”…
Thế nhưng, hơn ai hết, nhân dân ta là người
hiểu rõ, thấu đáo giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Thắng lợi đó là
kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, gian khổ của nhân
dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ
tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1858, khi thực dân Pháp xâm lược, dân ta
phải chịu cảnh nước mất, nhà tan, “một cổ hai tròng”, đói rách lầm than, oằn
lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, phu phen, tạp dịch. Hàng loạt cuộc khởi
nghĩa, phong trào đấu tranh cứu nước đã nổ ra nhưng tất cả đều bị dìm trong bể
máu. Phải đến khi Bác Hồ tìm ra con đường cách mạng vô sản và Đảng Cộng sản
Việt Nam ra đời mới sự chuyển biến. Minh chứng là cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936
- 1939. Đó là hai cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho cuộc
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 - 1945.
Vào đầu năm 1941, trước những chuyển biến mau
lẹ của tình hình trong nước và thế giới, Bác Hồ về nước và Người đã cùng Trung
ương Đảng kịp thời nắm bắt tình hình, đề ra chiến lược, sách lược, xây dựng căn
cứ địa, chuẩn bị lực lượng, đào tạo, huấn luyện cán bộ, tổ chức, động viên,
lãnh đạo toàn dân chớp thời cơ chín muồi giành chính quyền.
Rõ ràng, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành
thắng lợi do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng
suốt lựa chọn con đường giải phóng dân tộc đúng đắn. Chúng ta có sự diễn tập,
chuẩn bị kĩ càng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân
tộc và quan trọng là dự đoán thời cơ chính xác, chớp thời cơ kịp thời để phát
động tổng khởi nghĩa thành công. Nếu điều kiện chín muồi đã đến mà không nắm
lấy thời cơ, chần chừ, chờ đợi địch đầu hàng, trao quyền độc lập thì cơ hội
ngàn vàng đó sẽ không bao giờ đến. Chính vì vậy, đó không phải là “sự ăn may”
như những gì các thế lực thù địch phản động bịa đặt, xuyên tạc.
Hơn thế nữa, nếu không có Cách mạng Tháng Tám,
Việt Nam không thể có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như hiện nay. Trước Cách
mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến
nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp, với 95% dân số không biết viết,
không biết đọc. Nạn đói năm 1945 do phát xít Nhật gây ra đã cướp đi sinh mạng
của hơn hai triệu người… Nhưng ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 3/9/1945,
trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu 6
nhiệm vụ cấp bách, trong đó diệt “giặc đói”, “giặc dốt” là những nhiệm vụ
hàng đầu, cấp bách. Dân ta được bầu cử, thực hiện các quyền của một người dân
tự do và độc lập, được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Một cuộc cách
mạng đã thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công, đưa nhân dân lao động lên
làm chủ, vậy tại sao có thể nói “không có sự thay đổi gì sau cách mạng”, có thể
nói “Cách mạng Tháng Tám cướp quyền của dân”? Đó chỉ là lời xằng bậy của những
kẻ “nói láo ăn tiền”, bị lợi ích giật dây.
77 năm sau Cách mạng
Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta ngày nay đã
đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa,
xã hội, quốc phòng, an ninh… Từ một quốc gia kém phát triển, Việt Nam trở thành
nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế. Bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay
đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại
đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị
được đẩy mạnh. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế
và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu to
lớn trên chính là minh chứng sinh động nhất, thuyết phục nhất để bác bỏ mọi
luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự kiện lịch sử trọng đại này.
V.Q11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét