Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

NÂNG CAO CÔNG TÁC GIÁO DỤC, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ TRONG QUÂN ĐỘI


Đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam là nơi trực tiếp tổ chức các hoạt động giáo dục và quản lý, duy trì việc thực hiện pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đội ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ - lực lượng chiếm tỷ lệ rất cao ở đơn vị cơ sở. Trong những năm qua, giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở ở đơn vị cơ sở đã được các cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, và đã có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế bất cập như: một số cấp uỷ đảng chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác này chưa được xác định cụ thể, rõ ràng; hình thức, biện pháp giáo dục chưa linh hoạt, đa dạng nên kết quả giáo dục có mặt còn thấp, chưa tạo được sự chuyển biến vững chắc về nhận thức và hành vi chấp hành nghiêm pháp luật của hạ sĩ quan, binh sĩ.... mặt khác, các thế lực thù địch, phản động đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó chúng xác định Quân đội là trọng điểm. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến động cơ phấn đấu, rèn luyện và hành vi tích cực, tự giác trong học tập, rèn luyện tác phong sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở. Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở hiện nay cần thực hiện tốt một biện pháp cơ bản đó là:
Một là, thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, lực lượng trong giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ s. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được”(1). Vì vậy, giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong quân đội chỉ có thể có chất lượng cao khi các tổ chức, các lực lượng ở đơn vị cơ sở có nhận thức đúng, trách nhiệm cao trong giáo dục pháp luật. Thực tiễn giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội cho thấy: Ở đâu, giai đoạn nào, các tổ chức, các lực lượng có nhận thức đúng, thì ở đó, khi đó giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ được tiến hành nghiêm túc và đạt được chất lượng, hiệu quả cao. Ngược lại, các tổ chức, các lực lượng nhận thức không đúng, không đầy đủ là nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém, khuyết điểm trong giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay. Đòi hỏi, nội dung giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng đối với giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở ở đơn vị cơ sở cần tập trung vào nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng về quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về giáo dục pháp luật; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở ở đơn vị cơ sở; thấy rõ tính cấp thiết của giáo dục pháp luật với việc hoàn thện và phát triển nhân cách quân nhân cách mạng, với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong quân đội. Đây là biện pháp quan trọng nhằm pháp huy sức mạnh tổng hợp trong quá trình giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở. Mỗi tổ chức, lực lượng có vị trí, chức năng, nhiệm vụ riêng song đều có trách nhiệm tham gia giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở. Giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ chỉ đạt chất lượng hiệu quả khi được tiến hành đồng bộ và đề cao được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong tham gia hoạt động này.
Đối với cấp ủy, tổ chức đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở đơn vị cơ sở cần thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng các cấp trực tiếp là nghị quyết của cấp trên cơ sở về giáo dục pháp luật. Nắm vững các chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan cấp trên và mục tiêu, yêu cầu, nội dung…giáo dục; quản lý chắc tình hình, thực trạng chấp hành pháp luật và công tác giáo dục pháp luật; căn cứ vào đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của đơn vị để đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác giáo dục đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn. Sau khi có nghị quyết lãnh đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng phải quán triệt và triển khai thực hiện chặt chẽ; có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng ủy viên, từng tổ chức đảng cấp dưới, bảo đảm cho lãnh đạo giáo dục pháp luật liên tục, toàn diện và thông suốt từ trên xuống dưới. Trên cơ sở lãnh đạo toàn diện, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần coi trọng lãnh đạo các khâu, các bước quan trọng trong giáo dục pháp luật như: xây dựng kế hoạch; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên kiêm chức, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho giáo dục; kết hợp chặt chẽ giáo dục pháp luật với các hoạt động khác ở đơn vị…. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời biểu dương, khích lệ những gương người tốt, việc tốt; uốn nắn những tư tưởng, hành động lệch lạc trong giáo dục pháp luật. Triệt để khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, hay chung chung, thiếu tính thiết thực; không phân công rõ trách nhiệm, thiếu kiểm tra, sâu sát trong lãnh đạo giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở.
Đối với người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (2). Người còn chỉ rõ: “Tư cách của người chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt” (3). Vì vậy, chất lượng giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội phụ thuộc rất lớn vào việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong thực hiện nhiệm vụ này. Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp phải xác định giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ là chức trách, nhiệm vụ của mình, nhận thức đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc các Nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn về giáo dục pháp luật của cấp trên, tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị; đề xuất với cấp ủy những chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác giáo dục pháp luật. Căn cứ vào nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên phải trao đổi thống nhất kế hoạch giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ; phân công tổ chức thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện đúng kế hoạch. Duy trì nghiêm các nề nếp, chế độ học tập, công tác và quản lý chặt chẽ mọi mặt hoạt động của đơn vị. Người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên các cấp phải gương mẫu trong học tập, rèn luyện ý thức pháp luật, thực sự tiêu biểu trong chấp hành pháp luật, kỷ luật. Thường xuyên sâu sát nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu, động cơ học tập, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của hạ sĩ quan, binh sĩ, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong tư tưởng tình cảm của hạ sĩ quan, binh sĩ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giáo dục pháp luật. Kịp thời biểu dương thành tích, uốn nắn, ngăn chặn, xử lý những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong chấp hành pháp luật, kỷ luật và giáo dục pháp luật, kỷ luật.
Đối với các cơ quan: Theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, cần nhận thức đúng vị trí, vai trò trong giáo dục pháp luật; phải chủ động hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng kế hoạch giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Thường xuyên quản lý chặt chẽ và chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật ở các đơn vị. Kịp thời đề xuất với cấp ủy, người chỉ huy các biện pháp để nâng cao chất lượng quản lý, duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật ở đơn vị.
Đối với tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Căn cứ nghị quyết của cấp ủy, sự chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên và hướng dẫn của cơ quan chính trị xây dựng kế hoạch giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên. Kế hoạch giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên phải thống nhất với kế hoạch giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ tại đơn vị với những nội dung, hình thức thiết thực, cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, thế mạnh của tổ chức đoàn. Bên cạnh việc thực hiện tốt học tập lý luận cho đoàn viên, thanh niên theo quy định, các tổ chức đoàn cần đẩy mạnh các hình thức thi tìm hiểu, diễn đàn thanh niên về pháp luật, kỷ luật. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua xung kích trong học tập và chấp hành pháp luật, kỷ luật. Quan tâm lồng ghép giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các hoạt động giao lưu, kết nghĩa…Kết hợp chặt chẽ giáo dục, rèn luyện pháp luật cho đoàn viên, thanh niên với phong trào “xây dựng chi đoàn văn hóa mới”. Trong điều kiện hiện nay, mỗi tổ chức đoàn phải biết tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo, chỉ huy, đồng thời phát huy tính sáng tạo, tận dụng những cơ sở, vật chất và điều kiện hiện có để xây dựng và vận dụng những hình thức mới trong giáo dục pháp luật, đưa giáo dục pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên.
Đối với các cơ quan cấp trên. Cần thực hiện đúng phương châm “hướng về cơ sở”, tập trung mọi nguồn lực tạo sự chuyển biến từ cơ sở. Phải chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và năng lực sư phạm cho các lực lượng tham gia giáo dục pháp luật ở đơn vị cơ sở, bảo đảm đầy đủ, kịp thời tài liệu, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục pháp luật theo quy định của Tổng cục Chính trị. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng kế hoạch, nội dung, hình thức giáo dục. Làm tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời khắc phục những yếu kém bất cập, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những kinh nghiệm quý trong giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở.
Ba là, Phát huy tính tích cực, chủ động của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong quá trình tự giáo dục pháp luật. Đây là nội dung biện pháp cơ bản quan trọng có ý nghĩa trực tiếp quyết định tới nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở. Giáo dục và tự giáo dục là hai quá trình có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Trong đó, giáo dục là cơ sở, nền tảng, chỉ đạo định hướng quá trình tự giáo dục. Tự giáo dục là khâu tiếp nối, là kết quả của quá trình giáo dục đã được chuyển hóa thành nhu cầu, động cơ học tập, rèn luyện của đối tượng giáo dục. Chỉ khi nào nâng cao được tính tích cực, chủ động của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tự giáo dục mới khơi dậy được ở họ tinh thần cố gắng, nỗ lực học tập và rèn luyện thói quen chấp hành pháp luật nhằm cải tạo bản thân, hoàn thiện những phẩm chất nhân cách người quân nhân cách mạng, đồng thời loại trừ những nhận thức và hành vi không phù hợp với những chuẩn mực đạo đức và các quy định của pháp luật. Đòi hỏi các hoạt động ở đơn vị cơ sở phải hướng hạ sĩ quan, binh sĩ  vào học tập và rèn luyện một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức, thói quen hành vi, tinh thần trách nhiệm, phương pháp, tác phong trong thực hiện nhiệm vụ…Chú trọng động viên, khuyến khích họ nghiên cứu, học tập và rèn luyện theo các quy định của pháp luật, điều lệnh, điều lệ của quân đội, các quy định của đơn vị. Trước hết là tập trung học tập, nghiên cứu những vấn đề liên quan tới  chức trách, nhiệm vụ quân nhân; những vấn đề, tình huống thường gặp trong cuộc sống. Cần làm cho vấn đề tự giáo dục, rèn luyện trở thành nhu cầu thực sự của hạ sĩ quan, binh sĩ. Kiên quyết chống những biểu hiện: cầm chừng, đối phó, lợi dụng việc đề cao tự giáo dục, rèn luyện mà xem nhẹ vai trò định hướng, tổ chức, kiểm tra của cán bộ, từ đó thiếu tích cực chủ động trong tự giáo dục, rèn luyện. Lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tự học tập, rèn luyện của hạ sĩ quan, binh sĩ. Bảo đảm đầy đủ sách, báo, tài liệu cho hạ sĩ quan, binh sĩ tự nghiên cứu, học tập; bố trí, sắp xếp thời gian công tác, sinh hoạt hợp lý để bộ đội có thời gian tự nghiên cứu, học tập pháp luật. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho hạ sĩ quan, binh sĩ trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực tiễn để tự giáo dục, rèn luyện như: hoạt động kết nghĩa, hành quân dã ngoại, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền viên trẻ.... Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá rút kinh nghiệm việc tổ chức tự giáo dục của hạ sĩ quan, binh sĩ, định kỳ nhận xét, đánh giá xếp loại kết quả học tập, rèn luyện và mức độ tiến bộ của từng người và tập thể.. Nhanh chóng phát hiện những biểu hiện lệch lạc, sai sót về nhận thức, thái độ, động cơ trách nhiệm, về thực hiện kế hoạch, mục tiêu yêu cầu đề ra... định hướng, điều chỉnh, bổ sung nội dung kế hoạch cho phù hợp.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật ở đơn vị. Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật và duy trì nghiêm kỷ luật, pháp luật là giải pháp cơ bản, đồng thời cũng là điều kiện rất quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở. Đây cũng chính là nhân tố tác động to lớn tới giáo dục pháp luật và quá trình hình thành, hoàn thiện nhân cách quân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở. Đòi hỏi, xây dựng môi trường văn hóa pháp luật và duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật ở đơn vị cơ sở cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống các quan hệ ứng xử văn hoá pháp luật ở đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải coi việc xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật ở đơn vị là một nội dung của hoạt động lãnh đạo; thường xuyên có chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện việc xây dựng môi trường văn hóa pháp luật và tăng cường pháp luật, kỷ luật ở đơn vị; căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo việc xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, rèn luyện kỷ luật, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể, rõ ràng. Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, điều hành đơn vị hoạt động đúng các quy định của pháp luật và điều lệnh quân đội; quản lý chặt chẽ tình hình mọi mặt của đơn vị; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, lực lượng thực hiện đúng kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, duy trì pháp luật, kỷ luật ở đơn vị. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệnh Quản lý bộ đội. Thường xuyên quan tâm bảo đảm đầy đủ các chế độ tiêu chuẩn qui định và những điều kiện phục vụ cho nhiệm vụ học tập, công tác, sinh hoạt hàng ngày của hạ sĩ quan, binh sĩ. Các chế độ tiêu chuẩn về ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh... phải được quản lý, tổ chức đảm bảo đầy đủ cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Thực hiện tốt chế độ dân chủ công khai về kinh tế, tài chính và các quyền lợi, trách nhiệm quân nhân, giải đáp kịp thời những thắc mắc của hạ sĩ quan, binh sĩ. Tổ chức chu đáo phong trào tăng gia sản xuất không ngừng cải thiện nâng cao đời sống, sử dụng hợp lý quĩ vốn do bộ đội làm ra, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Quản lý chặt chẽ mọi cơ sở vật chất của đơn vị đồng thời chủ động khắc phục khó khăn, củng cố, xây dựng các công trình cũng như mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhiệm vụ học tập, công tác của hạ sĩ quan, binh sĩ  và xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị.
Tài liệu tham khảo:
(1). Hồ Chí Minh (1950), Nói về công tác huấn luyện và học tập, Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H, 2000, tr.50.
(2),(3).Hồ Chí Minh (1947), Sửa đổi lối làm việc, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.234, 273.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét