Cách mạng tháng Tám thành công mở đầu trang sử
mới của dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm
thời làm lễ ra mắt quốc dân tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội. Hàng chục vạn đồng
bào Hà Nội và các tỉnh lân cận tập hợp trong trang nghiêm, xúc động, nghe Chủ tịch
Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Thời gian thấm thoát đã 74 năm đã đi
qua (02/9/1945 - 02/9/2019) nhưng bản anh hùng ca bất hủ ấy vẫn sống mãi trong
hàng triệu trái tim những người con đất Việt. Những tư tưởng, quan điểm của Chủ
tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập về sự thống nhất biện chứng giữa
quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết
để giữ vững nền độc lập tự do vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám
mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy
năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập. Vì những lẽ
trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh
trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và
độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc
Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ
vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Có thể thấy rằng, bản tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 đã
khẳng định rằng nền độc lập, tự do mà nhân dân Việt Nam giành lại được “là
hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hi sinh của những
người con anh dũng của dân tộc Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung trên
những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Tuyên ngôn độc lập là
kết quả của bao nhiêu hi vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân
Việt Nam”. Những tuyên bố đanh thép trong bản Tuyên ngôn độc lập về quyền
độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam đã “đánh đòn phủ đầu”,
đập tan những luận điệu xuyên tạc trong âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực
dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam. Mọi hành vi
xâm phạm độc lập, chủ quyền của Việt Nam đều vi phạm luật pháp quốc tế, đi
ngược lại với xu hướng phát triển chung của nhân loại tiến bộ. Toàn thể dân tộc
Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải
để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, trước khi khẳng định một sự
thật thiêng liêng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và
thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập”, bản Tuyên ngôn độc lập
lịch sử của Bác Hồ đã lấy “những lẽ phải không ai chối cãi được”
của hai bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (năm 1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và
dân quyền của cuộc cách mạng Pháp (năm 1789) để khẳng định những quyền chân
chính của dân tộc Việt Nam.
Cùng với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, sự sáng lập Nhà
nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là sự đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử
Việt Nam mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ
nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Đó là một nhà nước kiểu mới gắn bó mật thiết
với nhân dân, mang tính nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Dân tộc Việt Nam
đã được độc lập, thống nhất, có chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, có quân
đội chính quy, có địa vị hợp pháp trên trường quốc tế. Trong quá trình phát
triển của dân tộc, đó là bước nhảy vọt vĩ đại nhất, một đóng góp có ý nghĩa
lịch sử cực kỳ to lớn.
Bản Tuyên ngôn độc lập đã chỉ ra một chính quyền cách mạng
mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của
mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý
chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng
của dân tộc Việt Nam được Bác Hồ phát hiện “Không có gì quý hơn độc lập
tự do”. Tuyên ngôn độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của
truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ
mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm
1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách
mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của
giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân
tộc và nhân loại. Bản Tuyên ngôn độc lập là thể hiện lòng trung thành tuyệt đối
với chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Bản Tuyên ngôn còn cho thấy Bác Hồ có tầm nhìn xa về sự phát
triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng
như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng
thế giới. Tuyên ngôn độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa
đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà
giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết
đoán, uyển chuyển, thuyết phục.
Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ
Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, do Chủ tịch Hồ Chí
Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế
giới cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Bác Hồ. Đây là kết quả của một quá
trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó
càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm
khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ
sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi. 30 năm sau ngày Tuyên
ngôn độc lập (1945-1975), Đảng và nhân dân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ
vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân
tộc - dân chủ, thống nhất Tổ quốc. Đất nước ta đã hoàn toàn được độc lập, nhân
dân ta đã hoàn toàn được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập mãi
mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người Việt Nam.
Đã 74 năm đi qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám
năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu hết
sức to lớn. Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng
dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực
hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của sự
nghiệp Đổi mới do Đảng đề ra và lãnh đạo đã đưa nước ta bước vào một thời kỳ
phát triển mới và hội nhập kinh tế quốc tế./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét