|
|
Từ lâu giáo
dục đào tạo đã là một yếu tố rất quan trọng, thiết yếu trong việc phát triển
của một đất nước. Các quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng đất nước Việt Nam
tươi đẹp của chúng ta, họ đều lấy giáo dục là quốc sách hàng đầu để phát triển
đất nước.Giáo dục là điều kiện tiên quyết giúp quyết định nền kinh tế của đất
nước đó có phát triển hay không, xã hội đó có ổn định hay không, đất nước đó có
nhiều nhân tài để phục vụ cho đất nước hay không. Chính vì vậy giáo dục đào tạo
đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Có thể
nói rằng, thực trạng giáo dục Việt Nam trong những năm qua có những vấn đề cần
tiếp tục được điều chỉnh và hoàn thiện hơn. Tuy vậy, dù đánh giá như thế nào
thì nền giáo dục nước nhà cũng đã có những bước phát triển. Song bên cạnh đó,
chúng ta cũng thấy rằng: Thầy giáo cũng là con người, cũng hỉ - nộ - ái - ố, tham
- sân - si như bao người khác. Nhưng do đặc điểm nghề nghiệp nên họ phải biết
tiết chế, giữ mình theo “khuôn vàng thước ngọc”. Vì vậy hầu hết nhà giáo đều
chuẩn mực, phẩm chất trong sáng, ngày đêm cống hiến thầm lặng cho đời. Tuy
nhiên, còn ở đâu đó một số ít giáo viên (tôi không muốn gọi là nhà giáo, vì
không xứng đáng) chưa đủ bản lĩnh nghề nghiệp, gây ra những bê bối, làm ảnh
hưởng đến danh dự và uy tín nhà giáo - vài “con sâu làm rầu nồi canh”.
Tiếp đó,
về “bệnh thành tích”, căn bệnh trầm kha trong giáo dục mà xã hội lên án, “thủ
phạm chính” là nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục nhưng bên cạnh đó còn có
một thủ phạm khác - đó là phụ huynh và xã hội. Nhiều học sinh phổ thông hư
hỏng, lười học, thiếu lễ độ với thầy cô giáo, lười vận động tư duy, hời hợt
trong nhận thức và hành động ... nhưng ít phụ huynh chấp nhận sự thật này, lại
muốn con mình được lên lớp, được tốt nghiệp, được khen thưởng ...
Phụ huynh
và xã hội lên án gay gắt một kỳ thi thiếu nghiêm túc, nhưng nếu ngành giáo dục
“siết chặt”, tỷ lệ tốt nghiệp thấp, phản ánh đúng thực chất thì liệu phụ huynh
và xã hội có chấp nhận sự thật đó, hay lại lên án ngành giáo dục?
Vậy khi
nào nhà trường, gia đình và xã hội không “nhìn thẳng vào sự thật”, không “đánh
giá đúng sự thật”, không “chấp nhận sự thật” - thì bệnh thành tích vẫn còn đó,
dù có lên án hay hô hào thay đổi đến mức nào đi nữa.“Bệnh thành tích”, căn bệnh
không có trong y văn nhưng tồn tại trầm kha không chỉ riêng gì ngành giáo dục.
Có ý kiến
võ đoán rằng, “thời buổi công nghệ, internet bùng nổ, thông tin đa chiều đã ảnh
hưởng, tác động, nhìn nhận tiêu cực, xấu xí về môi trường giáo dục”.
Sự phản
ánh quá mức, thiếu khách quan của báo chí đối với một vài hiện tượng giáo dục
là có nhưng không nhiều. Còn “thời buổi công nghệ, internet bùng nổ, thông tin
đa chiều” không phải là thủ phạm gây “ảnh hưởng, tác động, nhìn nhận tiêu cực,
xấu xí về môi trường giáo dục” như có người nói. Phải cảm ơn internet, thông
tin đa chiều đã giúp mọi người thoát khỏi cái “ao làng bằng phẳng” để nhìn ra
bên ngoài, biết mình - biết người, thấy cái hay của người mà học, thấy cái xấu
của người mà tránh. Công nghệ thông tin “vô tội” trong việc truyền tải thông
tin về hình ảnh người thầy giáo.
Một tác
giả khác lại nhận định: “Môi trường xã hội ngày trước “trong lành, sạch sẽ, ít
tác động xấu đến con trẻ”, môi trường ngày nay “diễn biến phức tạp, cái ác, cái
xấu nảy sinh ngày càng nhiều”. Không hẳn vậy đâu. Bao đời nay cái tâm lý ấy vẫn
ngự trị trong người chúng ta: xưa tốt hơn nay, quá khứ tốt hơn hiện tại. Vì
sao? Vì cái đã qua là cái đã được sàng lọc, mang tính ổn định, còn hiện tại là
cái đang tới, chưa được định hình. Người ta tin quá khứ hơn hiện tại vì lẽ đó.
Không
phải trước đây xã hội không có tiêu cực, ít cái ác, cái xấu, mà do trước đây
người dân thiếu thông tin, không có điều kiện, phương tiện để tiếp cận thông
tin. Cái ác, cái xấu chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định ở một cơ quan, đơn vị,
địa phương, ban ngành. Bây giờ thì ngược lại, thông tin truyền nhanh như điện.
“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, khi xảy ra hiện tượng xấu xa, tiêu cực,
cả thế giới đều biết. Một đám học trò hỗn loạn đánh nhau ngoài đường, lập tức
được đưa lên facebook, trở thành chủ đề bàn tán. Người quay clip có thể vô tình
nhưng facebook không hề vô tình, đôi khi nó là bằng chứng “tố giác” thủ phạm.
Giáo dục
con người phải từ gốc, uốn nắn từ tấm bé, tạo thành hành vi và thói quen, hình
thành nhân cách. Nhân cách được xã hội điều chỉnh, thử thách trong môi trường
cuộc sống, theo thói quen mà trở thành bản chất. Xét về tổng thể mà nói, giáo
dục Việt Nam đã và đang từng bước có những phát triển vững chắc./.
|
|