Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

CẢNH GIÁC HIỆN TƯỢNG GIẢ DANH QUÂN NHÂN ĐỂ LỪA ĐẢO


Trong thời gian gần đây một số đối tượng giả danh sĩ quan cao cấp để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, tài sản riêng công dân, hoặc nhằm đạt được các nhu cầu lợi ích khác của cá nhân đối tượng lừa đảo đã tự xưng là: “Cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng”. Ngoài ra, các đối tượng còn giả danh là cán bộ, sĩ quan cao cấp thuộc các cơ quan, đơn vị trọng yếu của quân đội. Hoặc là sĩ quan cao cấp của quân đội đang biệt phái tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, thậm chí cả các cơ quan, tổ chức nước ngoài đang hoạt động và có trụ sở tại Việt Nam. Cấp hàm thấp nhất mà các đối tượng này giả danh là cấp thiếu tá và cấp hàm cao nhất là thiếu tướng...

Các đối tượng giả danh thường hoạt động ở khắp các địa phương. Đặc biệt, có những vụ đối tượng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, sống lưu vong nhưng vẫn có hành vi giả danh quân nhân để lừa đảo cán bộ sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, hoặc lừa đảo cơ quan pháp luật nước sở tại nhằm trốn tránh sự xử lý. Đối tượng bị lừa đảo trong các vụ này thường là các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hoặc các cơ quan của Nhà nước, kể cả các công ty, cơ quan đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt có cả một số đơn vị quân đội và không ít cá nhân cán bộ, sĩ quan quân đội cũng bị “sa bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo này. Các đối tượng giả danh quân nhân để lừa đảo thường đã có tuổi trên dưới 40 tuổi, không nghề nghiệp cố định. Số ít đối tượng từng bị tòa án các cấp kết án tù vì tội trộm cắp, lừa đảo. Một vài trường hợp đã từng là sĩ quan quân đội. Hoặc đã có những năm tháng phục vụ trong quân đội. Nhưng số này đã đào ngũ, bị kỷ luật cho ra khỏi quân đội, trả về địa phương, hoặc đã bị xử lý bằng pháp luật...

Thủ đoạn của các đối tượng ở mỗi vụ án đều có những nét riêng, nhưng thường diễn ra ở các dạng: mượn danh, giả danh cán bộ cao cấp của quân đội tiến hành các hoạt động lừa đảo. Số ít giả danh là cán bộ, đặc phái viên, trợ lý riêng của các đồng chí lãnh đạo. Một số đối tượng sử dụng các loại giấy tờ, con dấu giả để quan hệ, tiếp xúc tạo niềm tin cho những đối tượng khi quan hệ nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo. Số này thường triệt để tận dụng các mối quan hệ sẵn có và các loại giấy tờ giả mạo để thâm nhập, móc nối, gặp gỡ, tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị quân đội; tổ chức ăn nhậu, chụp ảnh chung rồi sử dụng như một thứ “chứng cứ”, tài liệu khẳng định mình là cán bộ quân đội khi tiến hành lừa đảo. Các hoạt động đi lại, số này thường triệt để sử dụng các phương tiện của các đơn vị quân đội. Trong quan hệ “làm ăn”, chúng thường tận dụng những thông tin nắm được về các dự án sắp triển khai đã được công bố hay sắp công bố có liên quan đến địa phương, đơn vị từ đó thâm nhập, tiếp xúc với những đơn vị, địa phương này xin được “giúp đỡ”. Chúng thường dùng ngay những hiểu biết của mình để xây dựng các dự án “ma”, thành lập các công ty giả để “mồi chài”, tiến hành các hoạt động lừa đảo. Với thủ đoạn môi giới “giúp đỡ làm ăn”, nhiều đơn vị và cá nhân đã “nhờ” các đối tượng này chạy dự án, chạy vốn, xin cấp đất...

Thiệt hại về mặt kinh tế do các vụ lừa đảo gây ra rất lớn. Có vụ, đối tượng giả danh quân nhân đã lừa đảo của cơ quan Nhà nước lên tới hàng tỷ đồng. Có vụ số người bị lừa đảo lên tới gần 100 người. Trong một số trường hợp đối tượng cùng một lúc quan hệ lừa đảo nhiều đơn vị trong cùng một quân khu. Hậu quả thiệt hại không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà nguy hiểm hơn là thông qua các hoạt động quan hệ móc nối, lừa đảo, các đối tượng này đã làm tha hóa một số cán bộ trong các cơ quan Nhà nước; gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của một số đơn vị quân đội: Nguy hiểm hơn, hoạt động giả danh lừa đảo làm ảnh hưởng không nhỏ đến bản chất và truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Điều đáng chú ý là, vì nhiều lý do khác nhau, số vụ giả danh quân nhân để lừa đảo bị đưa ra truy tố trước pháp luật lại rất thấp.

Nguyên nhân của các vụ giả danh quân nhân để lừa đảo trước hết, xuất phát từ những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, không ít cơ quan, đơn vị và cá nhân đã bằng mọi cách tìm “môi giới” để nhằm đạt được lợi ích cục bộ của cá nhân hay cơ quan, đơn vị mình. Nhu cầu có môi giới trong làm ăn kinh tế đã trở thành một vấn đề khá phổ biến trong tình hình hiện nay. Chính từ nhu cầu này đã hình thành những “đường dây môi giới”, những con người môi giới trong các đơn vị kinh tế Nhà nước, tư nhân và cả các cơ quan, tổ chức xã hội. Một số kẻ xấu đã lợi dụng quan hệ với các cán bộ cơ quan Nhà nước để môi giới kiếm lời chia chác. Bên cạnh đó việc lợi dụng uy tín của quân đội, giả danh quân nhân thường là “vỏ bọc” khá tốt cho các đối tượng để có thể tránh được sự kiểm soát của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tại một số cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, việc chấp hành chế độ quy định của Nhà nước về giữ gìn bí mật vẫn bị xem nhẹ. Ngoài ra hiện tượng ba hoa, lộ bí mật trong giao tiếp, quan hệ với người ngoài quân đội của một số sĩ quan đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Hoạt động giả danh quân nhân để lừa đảo, tuy không phải phổ biến, nhưng đã đến mức báo động. Nhiều vụ giả danh để lừa đảo đã được thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đến nay vẫn xảy ra. Vì vậy cần tích cực, chủ động đẩy mạnh giáo dục tinh thần cảnh giác, giáo dục công tác giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động của đơn vị, của bản thân mình. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý tình hình chính trị nội bộ đơn  vị, tránh những hoạt động lợi dụng móc nối, thu thập thông tin, gấy rối  nội bộ. Phải thực hiện nghiêm túc các quy định trong hoạt động giao dịch, tiếp xúc, quan hệ công tác, không vì lợi ích kinh tế cục bộ mà bỏ qua các nguyên tắc, quy chế cần thiết để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo. Cần nắm chắc biểu hiện nghi ngờ về đối tác trong quan hệ phải thông báo cho cơ quan chức năng để xác minh làm rõ./.

DM11

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét