Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

UY TÍN, HÌNH ẢNH NGƯỜI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - VẬN DỤNG VÀO XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG HIỆN NAY

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng; trong đó, Người chú trọng, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, thực hiện trách nhiệm nêu gương và có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của mình. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện phát triển mới đặt ra yêu cầu phải tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng đó của Người.

Uy tín, hình ảnh người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nhằm chuẩn bị những điều kiện cần thiết, tiến tới thành lập đảng cách mạng chân chính, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiến hành lựa chọn những thanh niên ưu tú để tổ chức đào tạo, huấn luyện chính trị (vào những năm 1925 - 1927, tại Quảng Châu, Trung Quốc). Theo Người, chỉ những người có đủ phẩm chất, trí tuệ thì mới có thể tiếp nhận được giá trị lý luận, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quan điểm, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng đúng đắn, trung thành, tận tụy truyền bá lý luận trong phong trào quần chúng, xây dựng, phát triển tổ chức đảng và thực hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng. Tập hợp những cá nhân được giáo dục, huấn luyện bài bản thì mới có thể hình thành tổ chức đảng cách mạng và sau khi có tổ chức, lại phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất cần có của tổ chức cũng như của mỗi người cán bộ, đảng viên để dẫn dắt phong trào cách mạng.

Với nhận thức khoa học về Đảng, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu yêu cầu về Tư cách một người cách mệnh, gồm 23 điểm. Theo Người, mỗi người khi phấn đấu theo những điểm căn cốt đó sẽ góp phần làm nên bản chất cách mạng của Đảng; đồng thời, giúp cho Đảng có được đội ngũ cán bộ trung kiên, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì cách mạng, dân tộc và nhân dân. Trong 23 điểm nêu trên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc định hình rõ tiêu chuẩn cụ thể của người cán bộ, đảng viên. Theo đó, người cách mạng, cán bộ, đảng viên tự mình phải cần kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại (chịu khó), hay nghiên cứu, xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất, bí mật; với từng người thì khoan thứ; với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người; khi làm việc phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể.

Những phẩm chất, tư cách và yêu cầu đó có ảnh hưởng tích cực đối với sự lãnh đạo của Đảng, tỏ rõ uy tín, tấm gương của người cách mạng, có sức cảm hóa, tập hợp, đoàn kết nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền; vì thế, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, người cán bộ cũng được quần chúng tin cậy, che chở và bảo vệ. Nhờ tấm gương, uy tín, đức hy sinh quên mình ấy mà hình ảnh cao đẹp của những người cộng sản có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần đưa cách mạng đi đến thành công.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Nhà nước mới thể hiện sự kết tinh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, nhân văn, nhân đạo cao cả; nhiều nhân sĩ, trí thức không phải đảng viên cộng sản được mời tham gia Chính phủ. Những người trong chính quyền của chế độ cũ được đối xử tốt, nhiều người đã tham gia chính quyền cách mạng; đặc biệt, cựu Hoàng đế Bảo Đại được mời làm Cố vấn tối cao của Chính phủ. Nhà nước cũng thực hiện ngay chính sách “tín ngưỡng tự do”, tạo điều kiện để các tôn giáo hành đạo; thực hiện các quyền dân chủ, chống nạn đói, “giặc dốt”, bảo đảm ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, Chính phủ là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; tập trung thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, vừa chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, vừa xây dựng chế độ xã hội mới.

Với sự nghiệp vẻ vang, mới mẻ và bộ máy chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa chăm lo xây dựng bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp, vừa đặc biệt chú trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, là những người trực tiếp điều hành và quản lý bộ máy nhà nước cách mạng kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng, phần lớn cán bộ nắm bộ máy chính quyền và nhân viên nhà nước đều tận tụy, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng trong thực tiễn thực thi quyền lực đã có một số cán bộ “ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền”, ức hiếp dân. Chính vì vậy, trên báo Cứu quốc số 65, ngày 12-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đề cập, phân tích vấn đề này trong bài viết “Sao cho được lòng dân?”. Người thẳng thắn nêu rõ thực trạng là ở một số ủy ban nhân dân “tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen”; “Những Ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét”. Người chỉ dẫn: “muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

Những hành vi không đúng mực của một số cán bộ chính quyền đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, làm xấu đi hình ảnh của bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm các chức vụ, quyền hạn. Hiện tượng lạm quyền, lộng quyền và các thói xấu khác ở một số cán bộ đã khiến cho niềm tin của nhân dân bị suy giảm. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”; trong đó, chỉ ra những lầm lỗi rất nặng nề của một số người trong bộ máy chính quyền, như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, cử chỉ lúc nào cũng lên mặt “quan cách mạng”. Những hành vi tiêu cực đó “làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”; do vậy, Chính phủ phải kiên quyết khắc phục, loại bỏ những sai phạm, hình ảnh xấu đó của một số cán bộ, đảng viên. Người nêu rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.

Uy tín và hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ phải xuất phát từ sự tận tụy, hết lòng, hết sức vì việc công, “dĩ công vi thượng”, không tơ hào, vun vén cho lợi ích bản thân và gia đình mình, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không quan liêu, xa cách và hống hách với dân, luôn khiêm nhường, giản dị trong cuộc sống. Muốn vậy, Đảng, chính quyền phải ra sức giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, phép nước; đồng thời, mỗi người phải có ý thức tự rèn luyện, tự tu dưỡng thường xuyên, liên tục. Ở đây, việc tu thân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc nhở chính bản thân mình: “Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Về bổn phận, trách nhiệm và tư cách của đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, phải trọng lợi ích của Đảng hơn hết và chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng theo các yêu cầu: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Cán bộ, đảng viên phải giữ nghiêm kỷ luật; có ý thức sửa chữa các khuyết điểm, sai lầm có nguồn gốc từ chủ nghĩa cá nhân, như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, địa phương và các căn bệnh khác, như chủ quan, cẩu thả, hình thức, ích kỷ, xa quần chúng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một khi cán bộ, đảng viên nào mắc vào các căn bệnh đó thì đều trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, sức mạnh và sự lãnh đạo của Đảng. “Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng”.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên có vị trí, vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó là lý do vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục, đào tạo, huấn luyện cán bộ; coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. “Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Hình ảnh, uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên góp phần làm nên uy tín, thanh danh của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, uy tín, hình ảnh của đảng viên, cán bộ trở nên sâu đậm trong lòng dân chúng chính là bởi những hành động, việc làm cao đẹp của họ. Người đã khái quát trách nhiệm, bổn phận của cán bộ, đảng viên trên những phương diện chủ yếu: Suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc; đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, trước hết; hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng; cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc; cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hóa; phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc.

TB11

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét