Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG TỪ MÊ TÍN DỊ ĐOAN


Mê tín dị đoan là hiện tượng tâm lý khá phổ biến trong xã hội nước ta. Chính sự thiếu hiểu biết của người dân từ mê tín dị đoan đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu có cơ hội hoạt động. Và từ đây, nhiều hệ lụy khôn lường đã xảy ra, thậm chí trong nhiều trường hợp chính “lời phán” của “thầy” đã trực tiếp tước đi tính mạng của nhiều người mà hung thủ ra tay lại chính là người thân của họ.

Cuối tháng 11/2017, dư luận xã hội trong nước chấn động khi thông tin bé gái hơn 20 ngày tuổi ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa bị hai kẻ lạ mặt dùng dao cướp trên tay bà nội và chưa đầy hai ngày sau thi thể cháu bé được phát hiện tại bãi rác cách nhà 10km. Khi lực lượng công an vào cuộc, chân tướng sự việc nhanh chóng được làm rõ, hung thủ không phải ai xa lạ mà chính là bà Phạm Thị Xuân (65 tuổi), bà nội của cháu. Tại cơ quan điều tra, người bà độc ác này khai nhận do đi xem bói và được thầy phán cháu nội mới sinh là “nghiệp chướng”, nếu bé sống thì bà ta sẽ phải chết và bé chết thì bà ta mới sống. Lo sợ trước lời “sấm truyền” của thầy bói sẽ trở thành hiện thực, bà Xuân đã quyết định sát hại chính đứa cháu ruột thịt của mình hòng giữ mạng sống.

Sự việc trên đây chỉ là một trong rất nhiều những sự việc đau lòng đã diễn ra trong thời gian qua, chỉ vì mê tín dị đoan, tin vào bói toán mà dẫn đến chết người. Chính những phút giây thiếu hiểu biết nhất thời vô tình đã gây tổn hại cả về vật chất, tinh thần, sức khỏe của những người vô tội. Đây cũng là bài học, là lời cảnh tỉnh cho những ai mê muội, những người nhẹ dạ cả tin để các đối tượng vô lương tâm lợi dụng hành nghề mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến tính mạng của chính những người thân trong gia đình.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội khá bức xúc với hoạt động của tổ chức có tên gọi “Hội thánh Đức chúa trời” đã xuất hiện tại hơn 20 tỉnh, thành phố với hàng ngàn người tham gia. Đáng chú ý, giáo lý của tổ chức này có nội dung không đúng với Kinh thánh và mang màu sắc mê tín dị đoan.

Để lôi kéo được nhiều người tham gia vào tổ chức, những kẻ cầm đầu các điểm, nhóm thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của người dân để tuyên truyền các luận điệu như ngày tận thế sắp đến, chia sẻ tình yêu thương, không cần làm gì cũng được sung sướng… nhằm tác động đến suy nghĩ, hành động để họ đi theo tổ chức. Lợi dụng tâm lý lập nghiệp, mong muốn làm giàu của  thanh niên, sinh viên để mời họ tham gia các lớp học, hội thảo kỹ năng mềm, qua đó tuyên truyền về tổ chức, lôi kéo họ tham gia. Không chỉ tác động về mặt tâm lý, nhiều kẻ cầm đầu còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ về kinh tế như thuê nhà cho sinh viên ở các tỉnh xa, hỗ trợ tiền sinh hoạt… để các sinh viên này tham gia và trở thành tín đồ lôi kéo bạn bè khác tham gia. Nguy hiểm hơn, một số người đứng đầu các nhóm còn đưa ra những mức thưởng bằng vật phẩm hoặc tiền cho những ai lôi kéo được người thân, bạn bè, hàng xóm tham gia vào hội. Khi đã tham gia vào tổ chức này, nếu ai có ý định rời bỏ sẽ bị đe dọa là kẻ phản bội, phải bị xử tử, chết không được siêu thoát…

Đối tượng bị lôi kéo chủ yếu là phụ nữ, người già và học sinh, sinh viên hoặc những người nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh gia đình éo le, bất hạnh trong cuộc sống. Nhiều người vì tin triết lý này mà đập bỏ bàn thờ ông bà, tổ tiên, gia đình rơi vào cảnh ly tán; học sinh, sinh viên bỏ học, bỏ làm để đi theo tổ chức, tụ tập dụ dỗ, lôi kéo người khác, gây ảnh hưởng đến ANTT và làm những điều trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Có thể thấy, những hoạt động tôn giáo trái pháp luật, mê tín dị đoan của “Hội thánh Đức chúa trời” đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, làm xáo trộn đức tin và nảy sinh mâu thuẫn trong một bộ phận quần chúng nhân dân.

Xét về góc độ tâm lý, nguyên nhân dẫn đến mê tín dị đoan chủ yếu do sự nhận thức chưa đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào “thế lực siêu nhiên”. Sự mông muội, mù quáng, thiếu hiểu biết của người dân về những điều không có thật trong cuộc sống đã tạo điều kiện cho kẻ xấu lừa bịp, dụ dỗ, lợi dụng để trục lợi. Sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo với các hành vi mê tín dị đoan khiến nhiều người không biết đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn, lành mạnh nên dễ sa vào xu hướng tiêu cực. Thậm chí hành vi mê tín dị đoan còn núp bóng tín ngưỡng để dễ dàng lừa gạt, mê muội người dân. Lợi dụng xu hướng này, một số đối tượng đã thực hiện hành vi mê tín dị đoan trái pháp luật để rồi vì trình độ nhận thức thấp, thiếu khả năng xét đoán về mặt khoa học đã khiến một bộ phận người dân dễ tin vào “thế lực siêu nhiên”, thần bí, vào điều phi lý, không có cơ sở thực tế, dễ bị kẻ xấu lừa đảo.

Hậu quả tình trạng này để lại là rất lớn, không chỉ gây thiệt hại về tính mạng con người, gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội mà còn ảnh hưởng đến những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy chưa phải là nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, nhưng mê tín dị đoan ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực xã hội, từ tư tưởng, chính trị, đạo đức đến kinh tế, đời sống. Tệ nạn mê tín dị đoan đã gây ra những thiệt hại lớn và hậu quả xấu cả về sức khỏe, thời gian, tiền bạc, tính mạng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Vì mê tín dị đoan không ít gia đình đã lâm vào cảnh ly tán, tan cửa nát nhà, suy kiệt về kinh tế. Bao cái chết thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân là do người dân nhẹ dạ, cả tin vào thầy mo, thầy cúng.

Về trách nhiệm hình sự, tại Điều 320 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Tội hành nghề mê tín, dị đoan được quy định như sau:

“1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Như vậy, do tính chất nguy hiểm của hành vi hành nghề mê tín, dị đoan, đồng thời để tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, so với Điều 247 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), tại Điều 320 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt tiền bổ sung đã được nâng lên từ “3.000.000 đến 30.000.000” thành “10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”. Mặc dù chế tài pháp luật hình sự đã quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi mê tín dị đoan, song trong thực tế nhận thức của người dân về vấn đề còn rất hạn chế nên mê tín dị đoan vẫn là phạm trù nan giải trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội của các cơ quan, ban, ngành chức năng.

Thời gian tới, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo lời bói toán vô căn cứ của những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý và có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với những đối tượng hành nghề thầy bói, thầy lang có những lời bói toán, những phương pháp chữa bệnh phản khoa học gây hậu quả nghiêm trọng. Hơn ai hết, mỗi người dân và toàn xã hội phải kiên quyết phát hiện, đấu tranh, xử lý, bài trừ mê tín dị đoan để đời sống tâm linh tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam phát huy được những giá trị tích cực vốn có từ hàng nghìn đời nay.

CH11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét