Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH CHỐNG LỢI ÍCH NHÓM

 

          Lợi ích nhóm diễn ra dưới nhiều biểu hiện ở những quy mô và cấp độ khác nhau; lợi dụng các kẽ hở và ẩn mình trong vỏ bọc của pháp luật, nhân danh cái tốt đẹp và lợi ích chung của quốc gia, cộng đồng, tập thể để vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, người thân và “phe cánh” của mình.

          Hiện nay lợi ích nhóm đang gây ra hiện tượng bất công, bất bình đẳng, mất dân chủ nghiêm trọng trong đời sống xã hội.

          Bản chất của lợi ích nhóm là hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Mối quan hệ này được hình thành bởi sự cấu kết giữa những người có quyền lực trong hệ thống chính trị với những cá nhân, doanh nghiệp hay một nhóm người bên ngoài, nhằm tạo ra các quyết định hoặc tìm cách tác động vào chính sách để đạt được lợi ích riêng. Nó làm cho các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước bị méo mó, sai lệch ngay từ khi phôi thai xây dựng và hoạch định, thậm chí có thể làm thay đổi các quy định của pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm.

          Bằng các thủ đoạn khác nhau, những kẻ tham nhũng, lợi ích nhóm tìm cách mua chuộc, lôi kéo những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước tham gia vào hoạt động của lợi ích nhóm, dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, bè cánh và phe phái trong các tổ chức đảng. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên cương quyết dưới nhu nhược” ở một số tổ chức đảng, địa phương thời gian qua là những biểu hiện của sự chi phối bởi yếu tố lợi ích nhóm.

          Công tác cán bộ là nội dung quan trọng, khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Song hiện nay, lợi ích nhóm đã tác động vào tất cả các khâu, các bước trong quy trình hoạt động của công tác này. Vì lợi ích nhóm, người ta có thể ban hành ra các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình trái và dưới tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản theo quy định chung của Đảng, Nhà nước như: nới lỏng hơn các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương, chuyển ngạch, tiếp nhận, luân chuyển, bố trí công tác, đi đào tạo ở nước ngoài…, để người thân hoặc những người trong nhóm của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện đó, nhằm mục đích trục lợi cho cá nhân, người thân hoặc nhóm lợi ích. Hậu quả, vì lợi ích nhóm mà họ đã đưa những cán bộ, đảng viên kém đức, kém tài vào các vị trí lãnh đạo; bố trí cán bộ không vì năng lực, vì công việc mà vì thân quen, cánh hẩu. Khi bị phát hiện thì biện minh rằng: việc bổ nhiệm cán bộ là trách nhiệm của tập thể cấp ủy và được tiến hành một cách “dân chủ”, “đúng quy trình”, “đúng nguyên tắc”…. Thực chất đó chỉ là sự lợi dụng danh nghĩa tập thể, lợi dụng kẽ hở trong quy trình và nguyên tắc của công tác cán bộ để áp đặt ý kiến cá nhân. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”. Hay như Đảng ta: “Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín” và: “Nhiều nơi còn tình trạng nể nang, chưa chỉ rõ những cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”.

          Lợi ích nhóm tấn công vào đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các hành động hối lộ, quà biếu, quà tặng… Làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên mất đi vai trò tiên phong gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu và đồng lõa làm trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, dẫn đến thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng, chính trị, sống thiếu lý tưởng, thờ ơ trước đời sống chính trị và vô cảm trước những khó khăn, thiếu thốn của nhân dân. Khi đã xa vào tham nhũng, lợi ích nhóm, những cán bộ, đảng viên này dễ dàng chuyển hóa về tư tưởng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Lợi ích nhóm hoạt động càng mạnh, càng làm gia tăng và đẩy nhanh sự suy thoái tư tưởng, chính trị - nguyên nhân chính của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lợi ích nhóm làm gia tăng lối sống cơ hội, thực dụng, vụ lợi, tham nhũng, giả dối, chạy theo đồng tiền; khiến các hiện tượng tiêu cực ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - coi đó là việc bình thường! Vì lợi ích nhóm mà không ít cán bộ, đảng viên trở thành trung gian, cầu nối cho các tệ nạn chạy chức, chạy quyền hoặc thực hiện các phi vụ làm ăn mờ ám, vi phạm pháp luật.

          Lợi ích nhóm là lợi ích của một nhóm người liên kết với nhau để trục lợi, vơ vét và chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của xã hội nhằm mưu lợi cá nhân. Nói cách khác, lợi ích nhóm là lợi ích của nhóm người móc nối, thông đồng với nhau, lách luật, làm những điều phi pháp để trục lợi, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và của các cá nhân khác.

          Đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm là công việc hết sức khó khăn, phức tạp và là vấn đề hệ trọng của xã hội, vì không rõ “chiến tuyến” - trong “nó” có “ta” và trong “ta” có “nó”, vừa là “ta” lại vừa là “nó”. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh này, cần phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết ngăn ngừa cái sai và phải đặt nó nằm trong tổng thể chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Chúng ta luôn tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh này -loại trừ lợi ích nhóm ra khỏi đời sống xã hội, góp phần thiết thực làm trong sạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng thành công chế độ XHCN ở nước ta./

MĐ11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét