Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

TỰ DO NGÔN LUẬN Ở VIỆT NAM


Vấn đề “tự do ngôn luận” ở Việt Nam đã được pháp luật thừa nhận và có những quy định rất cụ thể. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy theo quy định của Hiến pháp “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tự do ngôn luận khác với việc tùy tiện vu khống, bôi nhọ, xâm hại đến cá nhân, tổ chức. 

Tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng phải tuân thủ quy định chung của Luật An ninh mạng. Tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: Phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật…

Là quốc gia với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam là đất nước có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Tính tới tháng 9/2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hàng ngày.

Internet có rất nhiều ưu điểm, song cũng đặt ra rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề phát ngôn của mỗi cá nhân và tổ chức sử dụng Internet. Việc lợi dụng Internet làm công cụ để thực hiện những mục đích sai trái, đưa những thông tin sai sự thật là hết sức nguy hiểm, cần có sự đấu tranh, xử lý nghiêm khắc. Trong thời gian qua, có rất nhiều cá nhân, tổ chức có những phát ngôn thiếu căn cứ, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Nguy hiểm hơn khi những người sử dụng mạng xã hội liên tục nhận được những thông tin sai lệch cùng những hình ảnh không đúng đi kèm, dần dần những thông tin đó thẩm thấu vào từng cá nhân người sử dụng, gây dao động, mất niềm tin, dẫn đến “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trở thành những công cụ phục vụ cho ý đồ xấu của các phần tử phản động, chống đối.

“Tự do ngôn luận” không phải là “ngôn luận tự do”, muốn nói gì thì nói. Là công dân Việt Nam, mỗi chúng ta cần có lòng thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Bởi pháp luật tôn trọng, thừa nhận và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức của dân tộc. Mỗi cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm pháp luật thực chất là thực thi quyền tự do của mình.

Vậy nên, cá nhân, tổ chức đang sống và hoạt động ở Việt Nam khi phát ngôn cần có sự thấu đáo, đưa thông tin đúng sự thật, có cơ sở rõ ràng. Mỗi người dân Việt Nam khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào cũng phải tìm hiểu rõ ngọn ngành rồi mới đưa ra những nhận xét, đánh giá, tránh tình trạng vô tình vi phạm pháp luật, trở thành những con rối trong tay của bọn phản động, chống phá cách mạng nước nhà.

QT 11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét