Lợi dụng chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, một
số người đã đứng ra thành lập và tuyên truyền một số hình thức “đạo lạ” mang
màu sắc của “tà đạo”, trái hoàn toàn với đạo lý truyền thống văn hóa dân tộc,
đã bị các thế lực xấu lợi dụng gây xáo trộn cuộc sống của người dân, gây mất An
ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương.
Để
có một cái nhìn khái quát, nhận diện về hoạt động “đạo lạ”, “tà đạo”, có thể
căn cứ vào những đặc điểm sau:
1. Về người đứng đầu: Luôn
tự đề cao, đánh bóng… bản thân mình (“Phật”, “Thánh”, “Thần”…), nhiều người
trước khi tạo dựng “tà đạo” còn mắc bệnh tâm thần hoặc từ nước ngoài tuyên
truyền phát triển vào trong nước.
2. Về lý thuyết, “giáo lý”, “giáo luật”: Được
chắp vá, pha tạp, cải biên từ lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo
truyền thống, nên đã có những điều răn hướng thiện, an ủi người dân về mặt tinh
thần trước những bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống (đây là điểm làm cho các
“tà đạo” có thể tồn tại). Tuy nhiên, có “tà đạo” nội dung giáo lý trái thuần
phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học (khuyên người ốm không
dùng thuốc, chỉ cần cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng “nước thánh”, “thuốc
Phật”…), trái với quy luật tự nhiên, lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế”
hoặc gắn với các nhu cầu về sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế người dân.
3. Về mục đích hoạt động: Hầu
hết các “tà đạo” đều có mục đích là phục vụ người cầm đầu (“giáo chủ”) và các
đối tượng cốt cán, tay chân của chúng…(thông qua thu lệ phí “quy y”, bán “bùa”,
“kinh sách”, “thuốc chữa bệnh”…)
4. Về hành đạo, thực hiện các nghi lễ: Mang
yếu tố mê muội, mê tín dị đoan, lừa bịp người dân tin theo, phản khoa học, trái
với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc… Đặc
biệt là thần thánh hóa lãnh tụ, các bậc thánh hiền, danh nhân, anh hùng dân
tộc…
5. Về phương thức hoạt động: Thường
xuyên thay đổi địa điểm tránh sự phát hiện, xử lý của chính quyền; lợi dụng sơ
hở của pháp luật trong việc quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền phát
triển “tà đạo”; tán phát tài liệu tuyên truyền ở những nơi công cộng, nơi tập
trung đông dân cư; tập luyện “dưỡng sinh” ở công viên, quảng trường, vườn hoa;
lợi dụng những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận
thức còn thấp, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để lừa bịp, lôi
kéo, khống chế…
6. Về đối tượng tin theo: Phần
lớn là những người gặp rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, ốm đau, bệnh tật, nghèo
khó; những người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào
dân tộc thiểu số; hoặc người có trình độ, nhận thức về chuyên môn khoa học – kỹ
thuật, cán bộ các cơ quan chính quyền, và nhất là số cán bộ nguyên là lãnh đạo
các ngành, giáo sư, tiến sỹ nghỉ hưu tiếp tay cho “tà đạo” hoạt động.
7. Các “tà đạo”, sùng bái và thần thánh
hóa người cầm đầu, khác với tôn giáo truyền thống: đối tượng sùng bái là những bậc Thánh hiền, thần
thánh hóa Lãnh tụ, siêu trần, thoát thế…, tôn giáo truyền thống phát huy được
tác dụng hướng thiện, nâng đỡ cuộc sống con người; “tà đạo” thường có tư tưởng
cực đoan, chống lại hiện thực xã hội, thực hành lối sống phi pháp, quyên góp,
bóp nặn tiền của người dân.
Thời
gian qua, hoạt động của các “tà đạo” đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế,
văn hóa, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đáng chú ý hoạt động
của tà đạo Thanh Hải Vô thượng sư, Pháp môn diệu âm, tà đạo Hà Mòn, các nhóm
lợi dụng tín ngưỡng tâm linh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hoàng Thiên
Long),… trái phong tục tập quán truyền thống của dân tộc; tuyên truyền mê tín
dị đoan; xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; khống chế, lừa gạt người dân để trục
lợi; gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, giữa các tôn giáo, gia đình ly
tán (khi bị gia đình, người thân can ngăn, đối tượng đã bỏ người thân theo “tà
đạo”); sự ổn định xã hội (kích động trốn vào rừng, trốn đi nước ngoài); một số
“tà đạo” bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động hoạt động chống
chính quyền nhân dân (tà đạo Hà Mòn); thuyết giảng “kinh sách” có nội dung phê
phán, kích động, phản ứng những bức xúc của xã hội (tham nhũng, sự yếu kém
trong lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo bộ máy chính quyền). Từ những đặc điểm
nhận biết trên cho thấy đây là những tiêu chí để phân biệt, nhận diện “tà đạo”./.
QT11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét