Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan
trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Đó là chính sách
đặc biệt, thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của
Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt
đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.
Năm 2021, để hướng
dẫn triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên
quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, Quy định
chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
trong đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công được
nghiên cứu xây dựng chặt chẽ, khoa học, ban hành tương đối toàn diện và đầy đủ,
kịp thời, đảm bảo chất lượng thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà
nước và là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách,
chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ, cơ bản đáp ứng được
yêu cầu đặt ra.
Cùng với bảo đảm
chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được ban
hành và thực hiện, như: chính sách ưu đãi về nhà ở; chính sách ưu đãi trong
giáo dục, đào tạo đối với con của người có công; chăm sóc sức khoẻ; ưu tiên vay
vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ
sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công... tạo điều kiện
cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hệ thống cơ sở sự
nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công bao gồm: các cơ
sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm
chỉnh hình đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Các cấp, ngành, địa phương tích cực
giải quyết những phát sinh và tồn đọng, như: xác nhận, công nhận người hưởng
chính sách ưu đãi, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài
cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN.
Với vai trò chủ
đạo, Nhà nước đã bảo đảm ngân sách để chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có
công. Nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện ưu đãi xã hội hằng năm được điều chỉnh
căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đáp ứng ngân
sách. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp tăng
từ 1.318.000 đồng (năm 2015) lên 1.624.000 đồng (năm 2020). Đến nay, cả nước có
98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung
bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết dứt điểm, không còn hộ người có công
thuộc diện hộ nghèo.
Những năm gần đây,
được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể
và nhân dân cả nước, các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình
nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, chăm sóc bố, mẹ liệt
sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
đã được lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Những việc
làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó đã thực sự trở thành phong trào quần chúng
sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng
cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước,
khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.
VL11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét