Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

PHÒNG VÀ CHỐNG VĂN HOÁ PHẢN TIẾN BỘ HIỆN NAY Đ.Q.K11


Văn hóa Việt Nam không chỉ kế thừa được tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại mà còn phát huy được những tinh chất văn hóa đó nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với chống văn hóa phản tiến bộ là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh đó chống lại văn hóa xấu độc, phản văn hóa, phản tiến bộ

Nền văn hóa mới được xây dựng ở Việt Nam phải đảm bảo tính "Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa" và "Khoa học hóa" thì cũng đồng nghĩa là nền văn hóa đó phải "chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập", "chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng" và "chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ" (gọi chung là văn hóa phản tiến bộ). Chủ trương này đã được triển khai trong thực tế, dù sau đó không lâu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bùng nổ trong toàn quốc.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng ta kiên trì phương châm trong xây dựng và phát triển nền văn hóa, có phòng và chống; trong phòng và chống có xây dựng và phát triển; vừa xây dựng vừa phòng và chống; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với phòng và chống văn hóa phản tiến bộ, đứng trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, cùng với nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng về văn hóa.

Trong các chỉ thị, nghị quyết đều nhấn mạnh vấn đề căn cốt trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, có sự thống nhất hữu cơ giữa "tiên tiến"- "tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung” và "đậm đà bản sắc dân tộc"- "đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”.

Nền văn hóa Việt Nam phát triển hài hòa giữa kế thừa, phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại không chỉ thấm đẫm những giá trị nhân văn, dân chủ, tôn vinh cái đẹp và phẩm giá con người mà còn đồng thời thể hiện rõ bản lĩnh trong đấu tranh với cái xấu, cái thấp hèn, phản văn hóa. Các hoạt động văn hóa như văn học, nghệ thuật, thư viện, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống đều được quan tâm phát triển; nhiều công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc được công chúng đón đợi…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì cũng có thể thấy rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chịu sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền văn hóa Việt Nam không chỉ đem lại cho công chúng những cơ hội thuận lợi khi được tiếp cận và thụ hưởng những xuất bản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú đến từ nhiều quốc gia, dân tộc mà còn cùng lúc phải đối diện với những "hạt sạn" trong không ít những sản phẩm văn hóa có nội dung lai căng, độc hại; tác động xấu đến nhận thức của công chúng và gây bức xúc trong cộng đồng.

Trong đó, phải kể đến những sản phẩm văn hóa xấu độc, lai căng được in ấn, xuất bản trong nước và từ nước ngoài thẩm thấu, phát tán trên mạng xã hội. Những sản phẩm văn hóa độc hại đó hoặc ca ngợi chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, sống gấp không có tương lai, hoài bão, thiếu lý tưởng hoặc gieo rắc tư tưởng hoài nghi chế độ xã hội chủ nghĩa, hoài nghi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; cổ vũ bạo lực, đề cao danh vị, đồng tiền; chạy theo thần tượng, theo trend (nghệ thuật, phong cách, âm nhạc, sử dụng ngôn ngữ tiếng nước ngoài…) đã và đang len lỏi vào không gian của từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, gia đình và tác động không nhỏ đến nhận thức, hành động của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ.

Cụ thể, phải kể đến một số tác phẩm (phim, truyện, hồi ký…) do các thế lực thù địch, do những phần tử cơ hội, suy thoái tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội có mưu đồ chính trị, nhằm tác động làm lung lạc niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sự nguy hiểm ở những văn hóa phẩm xấu độc này chính là đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; không chỉ khiến cho công chúng hiểu không đúng về chủ quyền biên giới quốc gia; hiểu sai về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà còn khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ trong đời sống chính trị của đất nước ở vào những thời điểm lịch sử nhất định (thời kỳ cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm…), dẫn đến nhận thức trái chiều trong công chúng. Bên cạnh đó là hiện tượng lai căng, đua theo trend văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc… trong lĩnh vực thời trang, thẩm mỹ, âm nhạc,v.v.. không chỉ trái với thuần phong mỹ tục dân tộc, làm mất đi phương hướng thẩm mỹ tích cực mà còn dễ làm cho công chúng ngộ nhận, thậm chí bị nhiễm độc nặng những virus phản văn hóa mà vẫn tưởng mình đang theo trend.

Vì thế, để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam "là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt", hơn bao giờ hết mỗi cấp ủy, chính quyền, cơ quan ban, ngành chức năng cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa với trách nhiệm "phải soi đường cho quốc dân đi".

Bên cạnh đó, cần phải chủ động triển khai, tổ chức thực hiện đúng, nghiêm để văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”, đảm bảo để văn hóa góp phần "hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét