Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY D.M.K1

 Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (từ ngày 4-7/10/2021) đã thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung hết sức quan trọng, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xem xét, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới; đồng thời, coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư yêu cầu các tổ chức Đảng phải “khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá," "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng.”

Như vậy, đoàn kết xuôi chiều được nhận diện là căn bệnh đáng báo động ngang hàng với sự mất đoàn kết nội bộ. Đoàn kết xuôi chiều được coi là sự suy thoái trong nhận thức và trong hành động của cán bộ, đảng viên.

Nó nguy hiểm ở chỗ không gây tác hại tức thì, không biểu hiện rõ ràng như tình trạng mất đoàn kết để có thể “kích hoạt sự miễn dịch” của tổ chức Đảng. Nó phá hoại sức mạnh của Đảng một cách từ từ, lặng lẽ.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị để cho những khuyết điểm, yếu kém kéo dài nhiều năm, không giải quyết thấu đáo, xử lý dứt điểm mà còn có biểu hiện bao che, dung túng bởi nội bộ tập thể gần như bị tê liệt do thái độ “im lặng đáng sợ” của số đông cán bộ, đảng viên trong đơn vị, cơ quan.

Đoàn kết xuôi chiều được biểu hiện phổ biến dưới hình thức “nương theo” ý kiến của lãnh đạo, của những người có tầm ảnh hưởng. Tại không ít các tổ chức đảng, những đảng viên “bình thường” e ngại thể hiện chính kiến, sợ mất lòng, sợ va chạm, sợ bị đánh giá là không ủng hộ cấp trên, không ủng hộ đồng nghiệp.

Đoàn kết xuôi chiều về lâu dài sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tiềm ẩn hình thành nhóm lợi ích, tác động tiêu cực đến tư tưởng và tâm lý xã hội, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đoàn kết xuôi chiều là “mẹ đẻ” của thái độ nể nang, không dám đấu tranh vì chính nghĩa, vì cái tốt, cái thiện, cản trở sự tiến bộ của chi bộ, cơ quan. Đoàn kết xuôi chiều nhiều khi còn được che đậy dưới lập luận “mỹ miều” là biểu hiện của sự đồng thuận, sự nhường nhịn, không cần ganh đua nhỏ nhặt.

Ẩn sau sự đoàn kết giả tạo là thái độ yếu hèn, ích kỷ, vụ lợi, mũ ni che tai, thờ ơ với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thờ ơ với vận mệnh của đất nước, của Đảng.

Đoàn kết xuôi chiều và dân chủ hình thức là “anh em sinh đôi,” thường đi kèm với nhau, làm nảy sinh ra tình trạng “dân chủ mà không có dân chủ.”

Dân chủ hình thức là sự mất dân chủ dưới vỏ bọc “đúng quy trình,” “đúng quy chế,” nên khó phát hiện. Mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong công tác cán bộ đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, không những bản thân cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm khó khăn, lúng túng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, mà nguy hại hơn là làm nản lòng những cán bộ có đủ tài, đức; là môi trường dễ nảy sinh sự thiếu thống nhất, mất đoàn kết trong nội bộ.

Như vậy là lần đầu tiên khái niệm “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” được đưa vào nội dung của Quy định “19 điều đảng viên không được làm”.

 Nâng cao năng lực của Đảng phải gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, nhất là trong điều kiện mới, tình hình mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét