Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

NÂNG CAO BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CHO HỌC VIÊN NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY


Bản lĩnh chính trị được hiểu là “phẩm chất chính trị của một người đã phát triển đến mức có thể tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo, làm chủ hành vi chính trị của mình trước những bước ngoặt và tình huống phức tạp về chính trị; không dao động, chùn bước trước gian khổ, khó khăn, kiên quyết thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng đã định”(1). Thực tế hiện nay, tuyệt đại đa số học viên nhà trường quân đội luôn có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, an tâm học tập công tác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, không giao động trước mọi khó khăn thử thách. Tuy nhiên, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, phi chính trị hóa quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… một số ít học viên nhà trường quân đội đã có những biểu hiện sa sút về bản lĩnh chính trị, thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện bản thân, chấp hành một số quy định của quân đội, nhà trường còn chưa nghiêm... Điều này, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của người học viên nhà trường quân đội. Để góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên nhà trường quân đội hiện nay, cần quan tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp cụ thể đó là:
 Một  là, đổi mới, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng cho học viên nhà trường Quân đội. Giáo dục chính trị tư tưởng luôn có vị trí quan trọng hàng đầu đối với việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên nhà trường quân đội. Theo Hồ Chí Minh: “Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững… thì nhất định thắng” (2). Đòi hỏi, trong công tác giáo dục chính trị- tư tưởng cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục lý tưởng cách mạng, niềm tin tư tưởng, đạo đức cách mạng là mục tiêu hàng đầu để xây dựng bản lĩnh chính trị. Phải làm cho học viên nhà trường quân đội thấm nhuần sâu sắc ý thức giai cấp và đấu tranh giai cấp, ý thức dân tộc và đấu tranh dân tộc nhận rõ mục tiêu phấn đấu của bản thân, hình thành lý tưởng, khát vọng sống cống hiến cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn luôn sáng suốt, tỉnh táo trước mọi thông tin sai lệch chống phá của các thế lực thù địch, phản động tiến hành “ diễn biến hòa bình”, phi chính trị hóa quân đội. Trong đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị phải quán triệt phương châm: Thực hiện phương pháp giáo dục tổng hợp, áp dụng linh hoạt mọi hình thức, phương tiện giáo dục theo hướng giáo dục “mở” có tổ chức theo định hướng nhằm mục tiêu nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn. Trong đó cần tăng cường các phương pháp giáo dục thuyết phục nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, tự giác của mỗi học viên trong quá trình tu dưỡng rèn luyện. Mở rộng hình phương pháp mạn đàm, trao đổi, gợi mở tạo tình huống “có vấn đề”, phát huy dân chủ, khắc phục tình trạng thông tin một chiều. Quá trình đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị phải hướng tới, kích thích, nuôi dưỡng và giáo dục động cơ, mục đích tu dưỡng rèn luyện đúng đắn hình thành cho mỗi học viên phương pháp tự tu dưỡng, rèn luyện biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Đồng thời, quá trình đổi mới nội dung, chương trình giáo dục cần giữ vững định hướng chính trị, tính khách quan, khoa học, hiện đại, sát đối tượng, sát thực tiễn; bảo đảm tính hệ thống thiết thực, phù hợp với lô gích nhận thức, thái độ hành vi chính trị, đạo đức của người học viên. Chống mọi biểu hiện lý luận suông, giáo điều, xa rời định hướng chính trị trong xây dựng nội dung, chương trình giáo dục chính trị, có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng cho học viên nhà trường quân đội.
Hai là, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị. Tính tích cực, chủ động trong tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị là nhân tố trực tiếp quyết định đến bản lĩnh chính trị của người học viên. Để phát huy vai trò tích cực, chủ động tự bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, từng học viên nhà trường quân đội phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Trong đó, cần tập trung hình thành ở mỗi học viên biết xác định kế hoạch học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học phù hợp với khả năng của bản thân, biết phân biệt cái đúng, cái sai; biết cách tự khích lệ bản thân trước những việc làm tốt và tự phê bình, tự chỉ trích, tự điều khiển, điều chỉnh những nhận thức, thái độ hành vi sai trái của bản thân cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường quân đội. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của mọi lực lượng, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục chính trị nhằm xây dựng cho mỗi học viên động cơ, mục đích, phương pháp rèn luyện đúng đắn. Đó là hệ thống động cơ trên cơ sở ý thức sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, của quân đội, nhiệm vụ của nhà trường, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, căm ghét với những biểu hiện sai trái trong đơn vị. Quá trình tự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện của học viên nhà trường quân đội là quá trình tự ý thức, giác ngộ, tự ghép mình vào khuôn khổ tổ chức, tự giác kiên trì, bền bỉ trong học tập, nghiên cứu khoa học phấn đấu với động cơ trong sáng, quyết tâm cao nhằm đạt được mục tiêu đào tạo của nhà trường. Những phẩm chất nhân cách, năng lực hoạt động thực tiễn của học viên nhà trường quân đội chỉ có thể được hình thành và phát triển một cách bền vững khi bản thân người học viên tự ý thức được vinh dự trách nhiệm của mình, tự giác học tập, rèn luyện nghiên cứu khoa học, phấn đấu theo mục tiêu yêu cầu đào tạo đã xác định. Người cán bộ lãnh đạo quản lý học viên, họ có trách nhiệm giáo dục rèn luyện học viên, tự giác học tập rèn luyện phấn đấu theo mục tiêu yêu cầu đào tạo. Vì vậy, mỗi tấm gương tự phấn đấu, rèn luyện vượt mọi khó khăn thử thách của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày có ý nghĩa giáo dục học viên sâu sắc. Đòi hỏi tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy phải thường xuyên giáo dục để mi học viên hiểu rằng, học tập, phấn đấu rèn luyện là một quá trình liên tục và là yêu cầu khách quan, bởi vì thực tiễn cuộc sống luôn vận động, biến đổi không ngừng, yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, ngày càng phát triển và đòi hỏi cao hơn. Do đó, tự tu dưỡng phấn đấu, rèn luyện là phương thức quan trọng để mỗi học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị chức trách.
Ba là, tăng cường rèn luyện học viên trong thực tiễn. Đây là điều kiện thuận lợi cho học viên tích cực, chủ động, tự giác tham gia vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của người học viên. Đó cũng là quá trình người học viên kiểm nghiệm những tri thức được trang bị, hoàn thiện nó và bổ sung những tri thức mới, nhất là những tri thức kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn của mình; là quá trình học viên kiểm nghiệm niềm tin, lý tưởng, lối sống và đạo đức của mình, nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của chính mình trong thực tiễn, từ đó tạo niềm tin vào mình, hoàn thiện mình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, tăng cường rèn luyện học viên nhà trường quân đội trong thực tiễn hoạt động là quá trình rèn luyện một cách toàn diện, cả phẩm chất và năng lực, cả nhận thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, cả trí tuệ và phong cách, trí lực và thể lực tâm lý… quá trình đó không chỉ đòi hỏi bản thân từng học viên phải tích cực chủ động mà còn là trách nhiệm của tổ chức lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Hoạt động thực tiễn của học viên nhà trường quân đội gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người học viên. Bởi vậy, mỗi học viên cần được xác định chức trách cụ thể để tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, là cơ sở để đánh giá chất lượng chính trị của từng người. Hiện nay, người học viên nhà trường quân đội đã được rèn luyện bản lĩnh chính trị trong quá trình học tập công tác. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại”, một số quân chủng, binh chủng tiến lên hiện đại. Đòi hỏi người học viên nhà trường quân đội cần tiếp tục được rèn luyện nhiều hơn nữa để thực sự là những học viên, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh để họ tự định hướng chính trị - đạo đức đúng đắn, không đánh mất mình, không bị tha hoá trước sự tác động của những tiêu cực xã hội và sự chống phá của kẻ thù, nâng cao nhận thức, có thêm cơ sở để khẳng định niềm tin và lý tưởng, bồi dưỡng tình cảm cách mạng kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên của tổ chức, phê bình của mình.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên nhà trường quân đội. Nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên nhà trường quân đội là một trong những chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên của các tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân của đơn vị. Thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên quán triệt sâu sắc Nghị quyết 51 của Bộ chính trị, Nghị quyết 513 của Quân ủy Trung ương “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” (3). Trước hết, cấp uỷ và tổ chức đảng phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, trọng tâm là việc ra nghị quyết lãnh đạo, tự phê bình và phê bình. Gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Thường xuyên quản lý toàn diện, cả về số lượng, chất lượng đảng viên, cơ cấu học viên. Trong đó, đặc biệt nắm chắc về lập trường chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực công tác, kinh nghiệm sống, phong cách làm việc và các mối quan hệ, những điểm mạnh, điểm yếu về bản lĩnh chính trị của học viên nhà trường quân đội. Đòi hỏi, tổ chức chỉ huy, trên cơ sở mệnh lệnh chỉ thị, phương hướng, nhiệm vụ cấp trên giao và từ nghị quyết của cấp ủy đảng cấp trên và cấp ủy cấp mình, tình hình thực tiễn quản lý học viên người lãnh đạo, chỉ huy phải có tư duy sắc bén trong đánh giá bản lĩnh chính trị của cán bộ, học viên thuộc quyền để đề xuất với cấp ủy, cơ quan chức năng cấp trên những giải pháp cụ thể để bồi dưỡng rèn luyện bản lĩnh chính trị cho học viên ngày càng có chất lượng hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần phát huy hiệu quả hoạt động của hội đồng quân nhân thành những diễn đàn thực sự dân chủ và bình đẳng, nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh của quần chúng vào xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, kịp thời đấu tranh với những biểu hiện mất dân chủ trong các lĩnh vực quân sự, chính trị và kinh tế, xây dựng bầu không khí trong đơn vị lành mạnh tác động tích cực tới việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên nhà trường quân đội hiện nay.
 Bản lĩnh chính trị của người học viên luôn là sản phẩm của sự trải nghiệm cuộc sống, trong thực tiễn hoạt động học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học. Qua thời gian những kinh nghiệm ấy xếp chồng lên nhau, “lọc cái thô, lấy cái tinh”, “thêm cái khôn, bớt cái dại”. Vì vậy, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên nhà trường quân đội đây là việc làm thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, của các tổ chức, và bản thân từng học viên. Đòi hỏi, phải tiến hành đồng bộ những biện pháp trên. Song cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp để tạo ra hiệu quả, tổng hợp, bền vững đối với nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên nhà trường quân đội hiện nay.

(1) Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H 2004.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H 1995, tr320.
(3) Nghị quyết 51- NQ/TW và Nghị quyết 513- NQ/QUTW “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”




0 nhận xét:

Đăng nhận xét