“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
không phải bây giờ mới có, mà xuất hiện ngay từ cuối thế kỷ XIX trong Phong
trào Cộng sản quốc tế và điển hình là ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa
Đông Âu vào thập niên 90 của thế kỷ XX. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hai
khái niệm, hai quá trình có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau. Trong
đó, “tự diễn biến” là cơ sở, tiền đề dẫn tới “tự chuyển hóa” và ngược lại, “tự
chuyển hóa” sẽ thúc đẩy quá trình “tự diễn biến” nhanh hơn, toàn diện hơn. “Tự
diễn biến” được hiểu là sự tự thân vận động về tư tưởng, lập trường theo hướng
tiêu cực do sự tác động, can thiệp của các thế lực thù địch dẫn đến làm thoái
hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong tổ chức Đảng, cơ quan
Nhà nước. Còn “tự chuyển hóa” là xu hướng thay đổi về chất, được biểu hiện ở
lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị của bộ phận cán bộ, đảng viên hoặc của
cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, từ khẳng định chế độ xã hội chủ
nghĩa sang lựa chọn chế độ tư bản chủ nghĩa.
Như vậy, ở Việt Nam trước sự chống
phá quyết liệt, nham hiểm của các thế lực thù địch thì “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” có thể diễn ra trong nội bộ Đảng, chính quyền Nhà nước và trong xã
hội, nhưng chủ yếu và nguy hiểm nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp
cao, cán bộ chiến lược, nhất là người đứng đầu các cơ quan trọng yếu của Đảng
và Nhà nước. Điều đáng nói là, cán bộ, đảng viên có vị trí càng cao thì hậu quả
của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” càng lớn, thậm chí có thể làm tan rã một
đảng, sụp đổ cả một chế độ chính trị của quốc gia. Thực tiễn cho thấy, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” thường có diễn biến phức tạp, trên các lĩnh vực: chính
trị, tư tưởng, đạo đức lối sống,… tuy ngấm ngầm nhưng cũng không kém phần quyết
liệt, nhất là khi đất nước có các sự kiện chính trị quan trọng, thời điểm nhạy
cảm; trong đó, sự kiện Đại hội XIII của Đảng tới đây (2021) là một trọng điểm.
Diễn biến đó được biểu hiện ở một số vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, lợi
dụng tham gia ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để tuyên
truyền các quan điểm trái với đường lối, nguyên tắc của Đảng. Kẻ xấu lợi dụng
việc “góp ý” với Đảng để khoét sâu vào các yếu kém của bộ máy lãnh đạo Đảng,
Nhà nước, nhất là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, quản lý xã
hội; những vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cùng sự tham nhũng,
tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên, hòng hạ thấp uy tín, tiến tới phủ nhận vai
trò lãnh đạo của Đảng; từ đó, kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng
đối lập, v.v. Đây là vấn đề không mới nhưng rất nguy hiểm, bởi nó gieo rắc sự
hoài nghi của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ máu
thịt giữa Đảng với dân ngay trước thềm Đại hội XIII của Đảng ta.
Như vậy, vô hình chung, một số cán bộ, đảng
viên và quần chúng đã mắc mưu và tiếp tay cho các thế lực thù địch để chống phá
cách mạng nước nhà. Họ đã quên hoặc cố tình quên rằng, cách đây 89 năm, trong
đêm đen nô lệ, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất đứng ra
lãnh đạo đất nước, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ
vận mệnh của mình. Trong suốt 89 năm qua, cùng với lãnh đạo nhân dân đánh bại
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc, Đảng ta còn khởi xướng công cuộc đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi
tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trở thành quốc gia đang phát triển với các thành
tựu có ý nghĩa lịch sử, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Đương
nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không tránh khỏi những
khuyết điểm, thậm chí sai lầm, nhưng điều đáng quý là Đảng đã dũng cảm nhận
khuyết điểm trước nhân dân và quyết tâm sửa chữa để tiếp tục phát triển. Phải chăng,
một Đảng như thế lại không xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước và toàn xã
hội?
Thứ hai, tập
trung công kích vào chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta thông qua các hình thức,
như: thư ngỏ, kiến nghị tập thể, blog cá nhân hay các trang mạng,… nhằm hướng
xã hội đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Theo đó, các thế lực chống đối, lực
lượng thoái hóa, biến chất về chính trị - tư tưởng đã cố tình lờ đi những giá
trị tích cực, tiến bộ có tính nền tảng của chủ nghĩa xã hội, nhưng lại khoét
sâu, thổi phồng những yếu kém, khuyết tật của nó. Họ thường rêu rao: chủ nghĩa
xã hội đã hết thời, không còn phù hợp nữa, rằng Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã
hội là một sai lầm lịch sử nghiêm trọng, cần phải sửa chữa, gột rửa, v.v. Đúng
là hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đang có những khó khăn nhất định,
nhưng xu hướng phát triển là tất yếu. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước
ta cũng vậy, còn nhiều chông gai, thử thách, thậm chí còn có những khiếm khuyết
trong thời kỳ quá độ. Song, những giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại
là tốt đẹp, không thể phủ nhận và đó là con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân
ta đã lựa chọn. Họ - những cán bộ, đảng viên từng được chế độ xã hội chủ nghĩa
nuôi dưỡng, chở che - nay, trước khó khăn và cám dỗ vật chất đã không đủ dũng khí
vượt qua, không nghiên cứu để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt
ra, mà trở cờ, phản bác lại chủ nghĩa xã hội. Cần thấy rằng, thời nào cũng vậy,
sự tồn tại của một dân tộc bao giờ cũng gắn với một chế độ chính trị - xã hội
nhất định, chế độ chính trị - xã hội phù hợp thì tồn tại và phát triển, trái
lại, chế độ chính trị - xã hội không phù hợp sẽ bị chính dân tộc đó đào thải.
Đó là điều bình thường. Song, quay lưng hoặc cố tình bác bỏ chế độ xã hội tốt
đẹp với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để quay
lại chế độ bóc lột, bất công vì những động cơ vụ lợi, trái với đạo đức và lương
tâm là điều không thể chấp nhận, hơn thế còn là tội ác, đáng bị lên án, trừng
trị.
Thứ ba, Đại
hội Đảng các kỳ là dịp để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo của từng cấp ủy,
tổ chức đảng sau một nhiệm kỳ đã qua; từ đó, rút kinh nghiệm, đề ra phương
hướng lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới; đồng thời, sàng lọc, sắp xếp nhân sự, lựa chọn
những cán bộ, đảng viên ưu tú để đưa vào cấp ủy khóa mới. Vì thế, ngoài mặt
tích cực, đây cũng là dịp để những phần tử cơ hội chính trị phá hoại nội bộ các
tổ chức đảng, nhà nước. Trong thời gian chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới, chúng
thường tung ra những luận điệu vu cáo giật gân để làm giảm uy tín, hạ bệ những
cán bộ trung kiên, có phẩm chất, năng lực của Đảng. Thậm chí, chúng còn xuyên
tạc, bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ, phủ nhận công lao, nhằm hạ uy tín của lãnh đạo
Đảng, Nhà nước.
Như vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” nói chung, trước thềm Đại hội XIII của Đảng nói riêng đang thực sự trở
thành mối hiểm họa đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, đòi
hỏi chúng ta phải cảnh giác, dè chừng. Theo đó, phòng, chống “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân, cần được tăng cường với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập
trung vào một số nội dung cơ bản sau:
1. Nâng cao hiệu quả công tác xây
dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư
tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa
trong nội bộ”, trọng tâm là xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh cả về chính
trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu
của các tổ chức đảng; thực sự trong sạch, vững mạnh và gắn bó mật thiết với
nhân dân. Đồng thời, coi trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nhất là
giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng của
Đảng. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần làm thường xuyên, nghiêm túc, có hiệu
quả, kiên quyết khắc phục bệnh hình thức, coi nhẹ hoặc đề cao tính thực dụng,
các lợi ích kinh tế.
2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên
cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; trong đó, tập trung làm rõ các vấn đề phát
triển mới về Đảng cầm quyền; những nội dung cốt lõi của thời kỳ quá độ đi lên
chủ nghĩa xã hội ở nước ta; vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa,... Qua đó, góp phần giải quyết những vấn đề mới đặt ra và làm sáng rõ
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng thời, làm cơ sở để đấu tranh,
phản bác có hiệu quả những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực
thù địch.
3. Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần giữ vững kỷ cương, phép nước và
củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong tình hình hiện
nay, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phải bảo đảm tính khách quan,
công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; kiên quyết không bao che, né
tránh, nhất là đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ có chức,
quyền và thân nhân của họ.
4. Coi trọng nâng cao chất lượng
công tác cán bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, công tâm, khách quan từ
khâu tạo nguồn, bồi dưỡng, đánh giá,… đến sử dụng cán bộ; trong đó, chú trọng
khâu lựa chọn, sắp xếp cán bộ có đức, có tài vào các cơ quan chiến lược, người
đứng đầu các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tích cực đấu
tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, như: chạy chức, chạy
quyền, cục bộ địa phương, dòng họ,… kiên quyết thanh lọc những cán bộ kém đức,
kém tài, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, thậm chí vi phạm
pháp luật.
5. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý
nhà nước và xã hội theo hướng hiệu lực, hiệu quả, bằng pháp luật, lấy phát huy
dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực
tài chính, đầu tư, chính sách,… làm khâu đột phá. Phát huy trách nhiệm người
đứng đầu, dám chịu trách nhiệm, trên cơ sở tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách,
nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả những
giải pháp nêu trên là phương thuốc đặc trị hữu hiệu mầm bệnh “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” do các thế lực thù địch, phản động gieo rắc trước thềm Đại hội
XIII của Đảng./.