Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

TÔN TRỌNG VÀ BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO, TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO LÀ QUAN ĐIỂM NHẤT QUÁN, XUYÊN SUỐT CỦA ĐẢNG TA

         Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là quan điểm cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Quyền này được thể hiện rõ ở những quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Bằng chứng là, chỉ một ngày sau ngày độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chí Minh đề nghị: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết.” Trong cuộc tổng tuyển cử bầu ra các đại biểu của Quốc hội khóa I, Hồ Chủ tịch tuyên bố: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”. Quyền đó còn được thể chế hóa trong hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 khẳng định: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”… các Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 có ghi: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”(Điều 24); “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2, Điều 14); nghiêm cấm “xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Ngoài các quy định trong Hiến pháp, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác của Nhà nước Việt Nam như Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ luật Dân sự hoặc trong các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện nghiêm chỉnh quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo trong thực tế. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18-6-2004, ngay ở Ðiều I đã ghi nhận: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau”.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của người dân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Như vây, với những chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, những năm qua, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đã đạt được thành tựu to lớn. Chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở nước ta lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay; các tôn giáo chung sống gắn bó, hòa hợp, “tốt đời, đẹp đạo”, phúc âm trong lòng dân tộc. Các chức sắc và tín đồ tôn giáo đều có lòng yêu nước nồng nàn, tin theo tiếng gọi của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào “ích nước, lợi dân”, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Thế nhưng, bên cạnh đó các thế lực thù địch, các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo để kích động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Một trong những hoạt động đó có thể kể đến gần đây nhất: Lợi dụng các hoạt động sai trái tại Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), mà một số trang mạng phản động, các đối tượng cơ hội chính trị đã tán phát tài liệu tích cực chống phá. Điển hình như: Trên facebook Việt Tân, ngày 25/3/2019, đối tượng Ngô Trường An tán phát tài liệu “Chùa Ba Vàng có giống BOT giao thông hiện nay không? Nghi về chữ tín!”; hay trên blogger Điếu Cày, đối tượng Bùi Văn Thuận tán phát tài liệu kèm theo ảnh “Ba vàng và đánh đấm phe nhóm”…hoạt động của chúng tuy không mới, vẫn là “điệp khúc quen thuộc”. Song, chúng được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau, lợi dụng các quy luật tâm lý xã hội, quy luật tâm lý đám đông,… nhằm kích động, lừa gạt một bộ phận đồng bào nhẹ dạ cả tin; hiểu lầm chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua sự kiện, kích động làm phức tạp thêm tình hình…
 Cũng như mọi hoạt động bình thường khác của xã hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng nghĩa luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội. Sẽ là “phản tự do” nếu lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đi xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của người khác, làm đảo lộn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, gây bạo loạn và hành nghề mê tín dị đoan đều phải bị xử lý theo quy định của Pháp luật. Đòi hỏi, mỗi chúng ta, hãy nhìn nhận một cách khách quan, tỉnh táo vạch trần những âm mưu, thủ đoạn những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội lợi dụng vấn đề tự do, tín ngưỡng tôn giáo để chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tránh hiện tượng, a dua theo tâm lý đám đông để rồi mắc mưu của chúng và vi phạm pháp luật của Việt Nam.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét