Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

Cảnh giác với chiêu trò lợi dụng quyền tự do hội họp chống phá Việt Nam

     Quyền tự do hội họp là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm thực hiện trong thực tế. Tuy nhiên, những năm qua, lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm, các nhà đấu tranh khoác áo “dân chủ, nhân quyền” triệt để lợi dụng quyền này để xuyên tạc, kích động người dân biểu tình, bạo loạn nhằm tập dượt “cách mạng màu” chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

      Theo "Từ điển tiếng Việt", “hội họp” là “tề tựu đông đảo”, là “tập họp ở một nơi để bàn bạc”. Quyền tự do hội họp là một quyền cơ bản của con người được gặp gỡ, họp mặt để trao đổi, giao lưu, bàn công việc… Việc hội họp có thể mang tính chất gia đình, bạn bè; có thể là sinh hoạt của các tôn giáo, hoạt động của các hội đoàn để thảo luận, giải quyết công việc nội bộ các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Đó cũng là quyền của công dân được gặp gỡ để thảo luận, góp ý kiến về các vấn đề chung của Nhà nước và xã hội.

      Theo luật pháp quốc tế, quyền tự do hội họp luôn gắn chặt với quyền tự do ngôn luận và được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Điều 20, Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”.

       Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng quyền tự do hội họp để tập hợp người dân, nhất là số người có trình độ nhận thức thấp, có bức xúc, mâu thuẫn với chính quyền, bất mãn với chế độ... tham gia đình công, biểu tình nhằm xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT-TTATXH), chống phá Nhà nước, phá hoại sự ổn định của xã hội. Đối tượng cầm đầu lôi kéo, kích động quần chúng biểu tình là những cá nhân, tổ chức phản động, thù địch, số bất mãn, cơ hội chính trị... Lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật, các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước; bóp méo, thổi phồng tính chất vụ việc; khống chế, lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và lợi dụng hiệu ứng “tâm lý đám đông” để tập hợp, lôi kéo, kích động người dân tụ tập biểu tình, gây rối. Các cuộc hội họp, biểu tình không chỉ dừng lại ở việc phản đối hoặc gây áp lực với chính quyền mà khi có thời cơ sẽ tìm cách thực hiện “cách mạng màu”. Điển hình là vụ kích động, lôi kéo công nhân và người dân tham gia biểu tình ở Bình Dương năm 2014; và mới đây (năm 2018) lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đối tượng thù địch đã lôi kéo hàng nghìn người mang theo băng rôn, khẩu hiệu tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đốt phá tài sản, tấn công lực lượng cảnh sát, cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANCT-TTATXH ở nhiều địa phương:
      Nhằm phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng quyền tự do hội họp để biểu tình xâm phạm ANCT-TTATXH, mỗi cán bộ, đảng viên nhận định rõ  những thủ đoạn hết sức bỉ ổi. Nhận diện và đề ra giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn nêu trên là vấn đề cấp thiết, đồng thời cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức. Phát huy vai trò của lực lượng đấu tranh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét