Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN PHÒNG VÀ SỰ VẬN DỤNG TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA HIỆN NAY


Như chúng ta đã biết, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; quản lý, bảo vệ biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. Vì thế, quán triệt, thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng, Nhà nước về biên phòng là vấn đề cấp thiết, cần được đẩy mạnh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là một bộ phận trọng yếu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là nội dung rất quan trọng, được khẳng định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; là cơ sở để các cấp, ngành, địa phương, lực lượng triển khai thực hiện. Cùng với đó, Nghị quyết cũng chỉ rõ, trong tình hình mới, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng - lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia rất toàn diện và phức tạp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng cần triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trong đó, cần phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp vũ trang và biện pháp phi vũ trang, giữa bảo vệ trực tiếp, tại chỗ với bảo vệ từ xa, cơ bản, lâu dài; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp, thông lệ quốc tế. Nhận thức rõ quan điểm của Đảng về đối tượng và đối tác trong quản lý, bảo vệ biên giới; chống cả hai khuynh hướng mơ hồ, mất cảnh giác và siêu hình, cứng nhắc trong nhận thức, trong đề ra chủ trương và biện pháp xử lý các tình huống cụ thể trên biên giới và các vùng biển, đảo; tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với thực hiện tốt chủ trương “mở cửa”, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phải quán triệt, thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng hệ thống chính trị các cấp ở khu vực biên giới vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng nền tảng chính trị, tinh thần “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng cho sự nghiệp tăng cường quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đầu tư xây dựng, phát triển các cụm dân cư biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nhanh, mạnh và bền vững khu vực biên giới”2; “Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới”3. Thực hiện tốt chủ trương tăng thêm cấp ủy viên cấp huyện là cán bộ đồn Biên phòng tại các huyện biên giới, hải đảo trong cả nước; tham gia củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới vững mạnh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới.

Xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là vấn đề mang tính quy luật, là đòi hỏi khách quan đối với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra những cơ hội và thách thức mới trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định: xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, có chất lượng tổng hợp cao, vững về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ, tiếng các nước láng giềng, tiếng đồng bào dân tộc. Thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới. Đồng thời, chú trọng bảo đảm phương tiện, trang bị, vũ khí hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Hiện nay, tình hình xâm phạm, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tranh chấp, bất đồng về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển giữa các nước, nhất là trên Biển Đông có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp, khó dự báo. Tình hình vi phạm chủ quyền, lãnh thổ và an ninh trật tự trên các tuyến biên giới nước ta đã, đang xuất hiện những phương thức, thủ đoạn mới; vấn đề biên giới, lãnh thổ gắn với vấn đề dân tộc, tôn giáo trở thành trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch; các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, có vũ trang, xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng; cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng ngày càng toàn diện, nặng nề, phức tạp.

L.Đ.K11

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét