Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

NHỮNG THỦ ĐOẠN GÂY RỐI AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI HIỆN NAY

  

Hiện nay để lôi kéo được nhiều người tham gia, những đối tượng cầm đầu, cốt cán ở trong và ngoài nước đã dùng mọi thủ đoạn từ tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đến kích động người dân đấu tranh chống đối chính quyền. Chẳng hạn như lợi dụng các buổi sinh hoạt chung để mở băng cát sét hay gọi điện thoại để người tin theo trực tiếp nghe đồng tộc lưu vong ở nước ngoài kêu gọi tách ra thành lập các tổ chức tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số; tham gia biểu tình, bạo loạn thành lập “Nhà nước Đề ga”.

Thực tế cho thấy các đối tượng thường kích động, ép buộc người tin theo tẩy chay các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương (như: không đóng thuế, không thực hiện nghĩa vụ quân sự, không đồng ý cho xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh ở địa phương, không thực hiện kế hoạch hoá gia đình, không cho trẻ em uống vác xin phòng bệnh, ốm đau không cần đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị mà chỉ cần tổ chức cầu nguyện và thực hiện các biện pháp ma thuật, không vay tiền ngân hàng, không nhận nhà tình nghĩa và kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở,...).

Những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng trái phép của các “hiện tượng tôn giáo mới” đã góp phần gây tâm lý hoang mang, nghi kỵ, mất đoàn kết cục bộ trong một bộ phận quần chúng nhân dân của một số dân tộc và giữa các dân tộc, giữa người dân với hệ thống chính trị; hình thành và làm gia tăng các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự xã hội liên quan đến biểu tình, bạo loạn, vượt biên gắn với vấn đề ly khai, tự trị của một bộ phận người dân tộc thiểu số…

Một số “hiện tượng tôn giáo mới” còn gây tâm lý hoang mang trong môi trường giáo dục khi gửi thư, tờ rơi tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về những nội dung có tính mê tín dị đoan, gây tâm lý lo sợ cho các em và phụ huynh. Nhiều  đối tượng cầm đầu cực đoan, quá khích còn lôi kéo, kích động người tin theo tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, gây rối an ninh trật tự và tạo ra mâu thuẫn xã hội; khiếu kiện đòi khôi phục các tổ chức tôn giáo cũ và công nhận những tổ chức tôn giáo mới thành lập trái phép; đòi lại đất đai của tổ tiên và các cơ sở thờ tự cũ; kích động người dân vượt biên trái phép để gây rối nhằm quốc tế hóa và chính trị hóa vấn đề tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam; tuyên truyền và phát tán các tài liệu tôn giáo trái phép, tài liệu phản động, ...

Ngoài ra, các “hiện tượng tôn giáo mới” bên cạnh việc thành lập ban lãnh đạo của tổ chức các cấp, còn hình thành những hội, nhóm đoàn thể, như: phụ lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên,... để tuyên truyền, sinh hoạt, liên kết, hỗ trợ nhau trong làm ăn, sinh sống cũng như tập hợp, chỉ đạo quần chúng đi theo phù hợp với từng nhóm; đứng ra hoặc tìm cách tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cộng đồng liên quan đến những đối tượng nói trên,...

Trong quá trình hình thành và phát triển, các “hiện tôn giáo mới” cực đoan và những đối tượng cầm đầu thường tìm mọi cách làm suy yếu vai trò của hệ thống chính trị cơ sở bằng cách lôi kéo cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng họ theo tổ chức, đồng thời tạo dựng ảnh hưởng của “hiện tượng tôn giáo mới” và số đối tượng cầm đầu, cốt cán tại địa phương đối với cộng đồng. Một số đối tượng cầm đầu còn có những hành động mang tính chính trị, gây mâu thuẫn xã hội, như: tuyên truyền các thành quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như những quyền lợi người dân đang được hưởng là do tổ chức của họ đem lại; thành lập các tổ chức hoạt động bất hợp pháp chống đối chính quyền; tổ chức cho người đi theo tập bắn vào bia tượng trưng là cán bộ, đảng viên chủ chốt của địa phương và ngấm ngầm đe dọa tính mạng, phá hoại tài sản gia đình họ... Những hoạt động này đã gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận quần chúng và số ít cán bộ, đảng viên ở địa phương.

Các “hiện tượng tôn giáo mới” đều ít nhiều bài xích các tôn giáo truyền thống, đả kích vào các vị giáo chủ của tôn giáo chính thống. Điều này đã gây bức xúc trong chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo chính thống, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ có sự xung đột về tôn giáo bởi những mâu thuẫn phát sinh trong việc lôi kéo, tranh giành tín đồ và bởi giữa sự cởi mở của các “hiện tượng tôn giáo mới” và chặt chẽ trong giáo lý, lễ nghi truyền thống. Hoạt động của các “hiện tượng tôn giáo mới” gây khó khăn trong xã hội về phân biệt mê tín dị đoan với tín ngưỡng, tôn giáo đã được Nhà nước công nhận dẫn đến một bộ phận nhân dân không phân biệt được đâu là tín ngưỡng, tôn giáo chính thống đâu là sự biến dạng, lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

Do đó, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tôn giáo ở các địa phương cần phải được tiến hành thường xuyên và đồng bộ. Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trong tất cả các tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhưng phải trên cơ sở hiến pháp và pháp luật. Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng theo các tôn giáo không chính thống, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động.

Đ.Q.K11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét