Thực hiện quan điểm nhất quán của Đại hội XIII, Chính phủ Việt Nam
đã và đang có nhiều giải pháp thiết thực nhằm mở rộng quan hệ với các đối tác
song phương, đa phương trong khu vực và thế giới góp phần tăng trưởng kinh tế
xã hội, thực hiện nhanh, bền vững mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh” vì một Việt Nam phát triển “hùng cường, thịnh vượng”.
Nhằm tận dụng những cơ hội, thuận lợi trong hội nhập quốc tế để
xây dựng, phát triển đất nước và phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hành vi kẻ
xấu lợi dụng vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) để chống phá Việt Nam,
chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một
là, công tác phòng, chống hoạt
động lợi dụng HNKTQT để chống phá nước ta luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo trực
tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; sự quản lý, điều hành của Chính phủ nhằm
phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác phòng
ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao
nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính tất yếu khách quan của việc
HNKTQT; âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề này để “diễn biến hòa bình” đối với
nước ta của các thế lực thù địch; vị trí, vai trò công tác đấu tranh chống hoạt
động lợi dụng HNKTQT để huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này.
Hai
là, bảo đảm thực hiện hiệu quả quá
trình HNKTQT trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng
và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia; giữ vững ổn định chính trị-xã
hội, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc. Xác định rõ hội nhập là quá trình vừa
có nhiều cơ hội, vừa gặp nhiều thách thức, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; do vậy,
cần chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị
động, đối đầu. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh
tế, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ cao, ứng phó được với những biến
động kinh tế quốc tế, coi đây là giải pháp có tính quyết định để nâng cao nội
lực nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong HNKTQT.
Ba là,
thường xuyên nắm chắc tình hình hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các doanh
nghiệp nước ngoài hợp tác, làm ăn với Việt Nam để chủ động phát hiện, đấu
tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động lợi dụng hợp tác để xâm phạm an
ninh quốc gia của Việt Nam. Cần tập trung nắm tình hình hoạt động của các tập
đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài, các chương trình, dự án đầu tư có
yếu tố nước ngoài triển khai ở Việt Nam… nhằm kịp thời phát hiện những vấn đề
phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự xã hội để phòng, chống hiệu
quả. Chủ động phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp làm
lộ, lọt bí mật nhà nước, cung cấp bí mật nhà nước cho các tổ chức nước ngoài,
hoặc bị kẻ địch mua chuộc, lôi kéo nhằm phá hoại kinh tế nước ta.
Bốn
là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ làm việc ở các cơ quan,
đơn vị thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, hợp tác với các tập đoàn kinh tế nước
ngoài, bảo đảm cho đội ngũ này luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất
đạo đức tốt, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp
ứng yêu cầu chủ động và tích cực HNKTQT; có khả năng nắm bắt và tận dụng cơ hội
lớn, vượt khó khăn, thách thức đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia nước ta
trong HNKTQT, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm
là, khẩn trương rà soát, bổ sung,
hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến HNKTQT trên cơ sở tuân thủ các quy
luật của kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam là
thành viên. Chú trọng nội luật hóa theo lộ trình phù hợp với những cam kết quốc
tế, bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách
thức từ việc tham gia hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã
hội, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong HNKTQT, bảo vệ vững chắc quốc
phòng- an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước ta trong
những năm tới./.
P.H.H
0 nhận xét:
Đăng nhận xét