Tình trạng “cuồng” like, “cuồng” view, nếu không tỉnh táo, rất dễ
bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực, dẫn đến hoang mang, dao động, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mất niềm tin vào hệ tư tưởng chính thống.
Sự “xâm lăng” âm thầm
Không gian mạng với các dịch vụ xuyên biên giới đang tạo nên những
thách thức lớn đối với việc bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng ở Việt Nam. Theo
GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt
Nam, nếu biên cương quốc gia là một thực thể hữu hình, được bảo vệ bởi chủ
quyền quốc gia và công pháp quốc tế, sẽ khó bị xâm phạm, lấn chiếm, thì biên
cương văn hóa tư tưởng là ranh giới vô hình, mong manh, rất khó quản lý và ngăn
chặn sự “xâm lăng” từ bên ngoài vào. Chính điều đó đang tác động đến những động
thái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” âm thầm nhưng rất nguy hiểm, khó lường
trên mặt trận văn hóa tư tưởng hiện nay.
Khác với không gian ngoài đời, không gian mạng mang tính gián
tiếp, cộng đồng ảo nên dễ thoát khỏi sự kiểm soát, kiểm duyệt chính thống; ít
chịu sự ràng buộc về pháp lý, đạo đức, trách nhiệm và khó nắm bắt, quản lý.
Quyền tự do thông tin trên mạng cũng dẫn tới các hành vi phản cảm, ứng xử vô
văn hóa trên không gian mạng ngày càng lan tràn: những thông tin lá cải, tin
tức hot về giới showbiz, scandal của những người nổi tiếng, các chiêu trò đánh
bóng tên tuổi, lăng-xê, tung ảnh nóng, hiện tượng ném đá hội đồng, cuồng
“like”, comment “bẩn”, háo danh trên mạng, anh hùng bàn phím... ngày càng phổ
biến.
“Cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý đối với công tác quản
lý như: rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, tăng cường hiệu quả công tác cấp phép, quản lý bản quyền, kiểm
duyệt, kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra. Hoàn thiện các công cụ, cách
thức quản lý, phối hợp cả tiền kiểm lẫn hậu kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm với
các chế tài đảm bảo tính răn đe và bám sát thực tiễn”.
Quyền tự do lưu hành, quảng bá, phổ biến các sáng tạo văn hóa nghệ
thuật trên không gian mạng cũng dẫn tới tình trạng vàng thau lẫn lộn, tràn lan
các sản phẩm độc hại. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến lý tưởng sống, mục đích
sống của thế hệ trẻ, khuyến khích một lối sống hưởng thụ, chạy theo vật chất,
coi nhẹ các giá trị tinh thần… Theo bà Loan, nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có
sức đề kháng tốt, người xem rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực,
dẫn đến hoang mang, dao động, mất niềm tin vào hệ tư tưởng chính thống, vào sự
ưu việt của chế độ xã hội, xói mòn lòng tin vào Đảng và Nhà nước.
Trước những hành vi trên, thời gian qua các cơ quan chức năng đã
tập trung xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm. Điển hình là việc cơ quan cảnh
sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh
bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Theo cơ quan cảnh sát điều tra, bà
Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng
của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông
tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng
những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Thực thi văn hóa ứng xử trên không gian mạng
Để bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trên không gian mạng cho thế
hệ trẻ, trong tham luận gửi đến Hội thảo khoa học không gian mạng và sứ mệnh
bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng cần
có một hệ thống các giải pháp toàn diện và đồng bộ, đồng thời thiết thực và khả
thi nhằm điều tiết, hạn chế các phương diện tiêu cực và nắm bắt, tận dụng các
phương diện tích cực của nó. Trước hết cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp
lý đối với công tác quản lý như: rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn
bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, tăng cường hiệu quả công tác cấp phép,
quản lý bản quyền, kiểm duyệt, kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra. Hoàn
thiện các công cụ, cách thức quản lý, phối hợp cả tiền kiểm lẫn hậu kiểm. Xử lý
nghiêm các vi phạm với các chế tài đảm bảo tính răn đe và bám sát thực tiễn.
Về công nghệ cần sử dụng các giải pháp kỹ
thuật để kiểm soát, giám sát như: dựng “tường lửa”, “lá chắn”; sử dụng các phần
mềm lọc thông tin, ngăn chặn nội dung xấu độc; các phần mềm tự động mã hóa hoặc
xóa bỏ các thông tin tiêu cực, phản cảm. Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền,
giáo dục, nâng cao nhận thức cho giới trẻ. Đề cao tinh thần trách nhiệm của đội
ngũ văn nghệ sĩ và giới trẻ tham gia các khâu sáng tác, phổ biến, lưu hành các
tác phẩm trên mạng. Nâng cao ý thức của thanh thiếu niên trong tiêu dùng và
hưởng thụ văn hóa. Khuyến khích giới trẻ thực thi văn hóa ứng xử, quy tắc ứng
xử trên môi trường mạng.
MD11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét