Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

CHỦ ĐỘNG ĐẤU TRANH CHỐNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM


Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước thành viên của Liên Hợp quốc, đồng thời, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức và diễn đàn quốc tế. Nhờ đường lối đối ngoại nhất quán, vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Những kết quả đó là minh chứng sống động để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam. Mặc dù vậy, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên thực hiện những âm mưu chống phá đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta.

Một trong những vấn đề chúng tập trung chống phá, xuyên tạc là đường lối đối ngoại của Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi, khó lường. Đáng chú ý là các thế lực thù địch, các tổ chức lưu vong và một số đối tượng chống đối trong nước triệt để sử dụng không gian mạng, nhất là các mạng xã hội như Facebook, Youtube để xuyên tạc, tuyên truyền sai lệch chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Chúng cho rằng: Chính sách giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là “lý thuyết viển vông, phi thực tế”; “đã độc lập tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế và ngược lại đã hội nhập quốc tế thì không có sự độc lập tự chủ”[1]; chính sách độc lập tự chủ của Việt Nam là “bảo thủ”, “tự cô lập mình”, “ngoại giao đu dây”, “nhạc nào cũng nhảy”,… Chúng kêu gọi kích động bạo lực với cộng đồng người Nga tại Việt Nam, khuyên Việt Nam “phải chọn bên”, yêu sách Việt Nam phải “đổi mới” đường lối đối ngoại.

Để chủ động đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc nêu trên, cần tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về đối ngoại theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam”.

Thực hiện những định hướng nêu trên, trong quản lý nhà nước về đối ngoại cần quán triệt những quan điểm cơ bản:

Thứ nhất, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao hiện đại vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Thứ hai, quản lý nhà nước về đối ngoại phải gắn bó chặt chẽ với giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa hợp tác quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội, đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đối ngoại nói riêng. Đội ngũ cán bộ này phải am hiểu sâu về khoa học quản lý nhà nước, quản lý nhà nước về đối ngoại, về pháp luật quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước là cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Thứ tư, quản lý nhà nước về đối ngoại phải gắn liền với hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về pháp luật nói riêng, theo hướng chủ động, tích cực tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới nhằm tạo thay đổi về chất lượng công tác hợp tác quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật. Nghiên cứu giải pháp gia tăng sự hiện diện của chuyên gia pháp luật Việt Nam trong các thiết chế luật pháp quốc tế.

Thứ năm, quản lý nhà nước về đối ngoại phải đảm bảo tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng,… Đồng thời, kiên quyết kiên trì đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.

Quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm và nội dung trên đây sẽ góp phần đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

 HN11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét