Thời gian
qua, lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, các thế lực thù địch và bọn cơ
hội đã thường xuyên đăng tin, bình luận các tin bài với các luận điểm khác nhau
nhằm đánh lạc hướng, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận, trong đó có luận
điểm: “Quân đội
phải trung lập về chính trị”. Thực chất, đây là luận điểm đã có từ lâu, mà các
đảng chính trị đối lập ở những nước đi theo chế độ đa đảng thường sử dụng để
hạn chế quân đội “can dự” vào những tranh giành chính trị của các đảng phái. Điều này đặt
ra vấn đề cấp thiết có nhận thức đúng đắn về luận điểm này, qua đó xây dựng
niềm tin tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng; chức năng, nhiệm vụ của Quân
đội hiện nay.
Thực tiễn cho thấy, từ những thập niên cuối của thế kỷ XX,
khi phương thức chống phá chủ nghĩa xã hội bằng biện pháp gây chiến tranh xâm
lược không hiệu quả, chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược
“diễn biến hòa bình”. Một trong các thủ đoạn mà họ sử dụng là đưa khẩu hiệu
“quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị” vào các nước xã hội chủ
nghĩa, nơi chỉ có một đảng (Đảng Cộng sản) lãnh đạo, nhằm thực hiện “phi chính
trị hóa” lực lượng vũ trang cách mạng, mà thực chất là nhằm tách quân đội khỏi
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của quân đội là công cụ bạo
lực của Đảng, của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa. Thủ đoạn này đã được họ áp dụng thành công ở Liên Xô trước đây; khi
những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô tự rời bỏ nguyên tắc
xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, mắc những sai lầm rất
nghiêm trọng.
Ở nước ta, từ nhận định rằng,
hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm chắc quân đội, nên chưa thể xóa bỏ được
vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, chưa thể xóa bỏ được chế
độ xã hội chủ nghĩa, nên các thế lực thù địch với cách mạng nước ta ráo riết
thực hiện chiêu bài “quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị”. Chúng
nuôi hy vọng: một khi quân đội đã bị mê hoặc bởi khẩu hiệu đó, đội ngũ cán bộ
quân đội đã dao động, mất phương hướng chính trị, họ sẽ ra tay lật đổ Đảng Cộng
sản Việt Nam và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo đúng kịch
bản “không đánh mà thắng”. Sự ngụy biện thiếu căn cứ của các thế
lực thù địch không
đánh lừa được công luận; bởi xét về bản chất, yêu cầu “quân đội phải trung lập
về chính trị” chỉ là một phiên bản của quan điểm đòi “phi chính trị hóa quân
đội”. Nói đến “trung lập về chính trị”, nghĩa là “đứng giữa các lực lượng chính
trị”, “đứng ngoài chính trị”, “không can dự vào chính trị”...; trong khi đó,
Quân đội nhân dân Việt Nam đang được xây dựng theo phương hướng “cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị
làm cơ sở, nền tảng để xây dựng vững mạnh toàn diện. Hơn nữa, bản thân Quân đội
nhân dân Việt Nam đang là lực lượng chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối,
trực tiếp về mọi mặt” của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là đang “không đứng ngoài
chính trị”; thì đòi hỏi “quân đội phải trung lập về chính trị” thực chất là đòi
“phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để thực hiện mưu đồ đòi “quân đội phải
trung lập về chính trị”, các thế lực thù địch đã sử dụng
mọi biện pháp, cả về lý luận, tư tưởng lẫn hành động thực tiễn.
Trên lĩnh vực lý
luận, tư tưởng, họ rêu rao rằng: quân đội là của nhà nước, nên chỉ phục
tùng nhà nước, chứ không phục tùng và chịu sự lãnh đạo của bất cứ chính đảng
nào; hay hoạt động của quân đội chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và
phục vụ nhân dân, nên chỉ phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không
phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào... Thoạt đầu, không ít người ngộ nhận
sự có lý của lập luận này, mà không hiểu rằng: đây là thủ đoạn lừa bịp, nhằm
chuyển lập trường chính trị của quân đội cách mạng sang lập trường của bọn cơ
hội chính trị, của giai cấp tư sản.
Đối với hành
động thực tiễn, những người cổ xúy cho tư tưởng “quân đội phải trung lập
về chính trị” yêu cầu một khi có biến động chính trị, thì quân đội hãy án binh,
bất động, không đứng về phe nào. Đối với những nước đi theo chế độ xã hội chủ
nghĩa, chỉ có một Đảng Cộng sản lãnh đạo như nước ta, họ đòi xóa bỏ nguyên tắc
“Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội”; hạ thấp, đi đến đòi xóa bỏ hoạt động công
tác đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính
trị trong quân đội. Họ xuyên tạc các sự kiện chính trị trong lịch sử có
quân đội tham gia; thổi phồng khuyết điểm của một vài đơn vị quân đội và một bộ
phận quân nhân trong quá trình làm nhiệm vụ; bôi nhọ đời tư của các tướng lĩnh,
anh hùng lực lượng vũ trang... hòng qua đây, làm cho quân đội mất uy tín trong
nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội trong xã hội..., từ đó mà vô hiệu hóa vai
trò của quân đội trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng.
Cũng cần thấy rằng, ở các nền chính trị có cấu trúc đa đảng
đối lập, bất cứ đảng chính trị nào khi cầm quyền cũng tìm mọi cách để nắm quân
đội; bởi khi nắm được quân đội, thì việc duy trì quyền lực của đảng đó sẽ thuận
lợi hơn. Tuy vậy, khi mà sự tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị diễn
ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị, thì thường xuất hiện lời kêu gọi
“quân đội trung lập về chính trị”, nhưng trong thực tế, các đảng đều tìm sự hậu
thuẫn từ quân đội.
Thực tiễn lịch sử của cách mạng Việt Nam cũng chứng minh:
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của
quần chúng, được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo và giáo dục để giành
và giữ chính quyền cách mạng; nên bản thân nó đã là một lực lượng chính trị.
Gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam
đã chứng minh rõ một thực tiễn lịch sử: Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị
trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó được thể hiện
trước hết ở sự thống nhất về mục tiêu chiến đấu của Quân đội với mục tiêu chính
trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội. Vì thế, trái với sự hô hào “quân đội phải trung lập về chính trị”, Đảng và
Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để
nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực
hiện chiến đấu thắng lợi.
Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn
liền với xây dựng tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta là một bài học
thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp
vô sản ở một nước có nền kinh tế chậm phát triển. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã
kiểm nghiệm và khẳng định tính đúng đắn của bài học đó. Ngay từ ngày đầu thành
lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được tổ chức theo mô hình có
chi bộ Đảng lãnh đạo; bên cạnh người đội trưởng, có một cán bộ chính trị chuyên
làm công tác chính trị theo đường lối của Đảng.
XT11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét