Thứ Tư, 6 tháng 7, 2022

“YÊU QUYỀN LỰC” TỪ GÓC NHÌN TÂM LÝ


          Trong xã hội, khi chỉ số khoảng cách quyền lực (PDI) cao, mọi cá nhân đều coi trọng thứ bậc, không khuyến khích người ở vị trí thấp vươn lên vị trí cao. Một xã hội ưa chuộng các cá nhân có địa vị sẽ vô thức bài xích những người có ít quyền hơn, cho dù là quyền lực kinh tế hay hành chính.

          Khi đọc một bài báo nói về cậu con trai học lớp 5 của tác giả khi khoe được làm “sao đỏ” ở trường học. Tác giả bài viết hỏi con làm sao đỏ có gì hay, nó cười phấn khởi trả lời đại ý rằng con có thể kiểm tra các bạn không đeo khăn quàng đỏ, đi học muộn, ăn quà trong khi xếp hàng… tôi chợt giật mình nghĩ về câu chuyện của con gái tôi hôm trước kể, khi nói chuyện với tôi.

          Không giống cậu bé, con của tác giả bài báo, con gái tôi không được chọn làm sao đỏ nhưng nhìn vào ánh mắt của con làm tôi tưởng tượng ra cảnh những cậu bé cô bé sao đỏ ra oai với các bạn, điều có lẽ nó đã chứng kiến và cảm thấy ham thích, động lực phấn đấu để cũng được “ra oai” và “không phải sợ” ai nữa! Cái tâm lý sướng khoái khi được làm “sao đỏ” đó không phải là một trạng thái cá biệt, đã tồn tại từ thời tôi đi học, và cho dù tư duy thế hệ đã có quá nhiều thay đổi, nó vẫn còn đến hôm nay. Và tôi bỗng giật mình, lo lắng vì đó là mầm mống, một biểu hiện sơ khởi của tâm lý ưa chuộng quyền lực.

          Với mỗi nền văn hóa, cách chúng ta nhìn nhận quyền lực là khác nhau. Một trong những quan điểm nhìn nhận về quyền lực là khái niệm “khoảng cách quyền lực” của giáo sư Geert Hofstede. Các nghiên cứu của ông là sách gối đầu giường với các nhà nghiên cứu về ngoại giao và kinh doanh quốc tế. Hofstede định nghĩa “khoảng cách quyền lực” là sự giao tiếp giữa những người quyền lực nhất và những người ít quyền lực nhất trong xã hội. Việt Nam có chỉ số khoảng cách quyền lực (PDI) khá cao: 70/100 điểm. Và bạn không cần phải là một chuyên gia để có thể nhận ra điều đó.

          Rõ ràng, nền văn hóa có PDI cao luôn mong muốn người dưới phải nhún nhường người trên và chấp nhận sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong mối quan hệ. Hay nói cách khác, trong xã hội có chỉ số khoảng cách quyền lực cao, mọi cá nhân đều tôn trọng thứ bậc, không khuyến khích người ở vị trí thấp vươn lên vị trí cao. Chính vì vậy sẽ cần nhiều tiêu chí và nỗ lực hơn để vươn lên vị trí cao hơn trong cấp bậc xã hội.

Cá nhân tôi, ở góc độ nào đó, rất thích văn hoá “có trên, có dưới” của Việt Nam, nơi người già được nhường nhịn và tôn trọng. Nhưng giữa công việc và chuyện tình cảm phải phân minh. Không phải cứ sếp là đúng và không phải cứ lớn tuổi hơn là đúng. Nhân viên luôn sợ bày tỏ quan điểm sẽ không tốt cho công việc chung. Thực tế hiện nay cho thấy, khoảng cách quyền lực cao, con người dùng diện mạo bề ngoài như quần áo, cách trang điểm, trang sức, đồng hồ, điện thoại… để thể hiện địa vị xã hội. Tại các cơ quan, công ty nói chung ta đều thấy luôn tồn tại một khoảng cách quyền lực, cá biệt có cá nhân còn coi đó là biểu hiện của uy tín mà không hay biết rằng đó chỉ là uy tín giả. Khi không còn chức vụ nữa thì cái gì sẽ giữ cái “uy tín rởm” đó cho anh hay nhận lại chỉ là những tiếng cười thầm.

          Thật đáng buồn khi một bộ phận không nhỏ công chức, người lao động trong xã hội thiếu tự giác và tự trọng, “thủ trưởng rút lui, cuộc vui bắt đầu” là câu nói tưởng như để trêu đùa song nó hàm ý hết sức sâu cay, phản ánh nhiều hạt sạn trong mối quan hệ cấp trên và cấp dưới, giữa quyền lực và phục tùng. Họ chỉ thể hiện sự phục tùng khi chịu áp lực nhất định, tức là cơ chế đồng nhất ngoài, chỉ thể hiện phục tùng bằng hình thức bên ngoài mà không xuất phát từ tự nguyện, tự giác và cảm phục từ nhận thức, tình cảm cao đẹp đối với người lãnh đạo, quản lý của mình.

          Thiết nghĩ, người lãnh đạo, quản lý cần nên sớm nhận ra hậu quả tai hại của tâm bệnh “yêu quyền lực” và có biện pháp để kiểm soát những sai lầm do “khoảng cách quyền lực” tạo nên.

          Nhân viên cũng phải được đào tạo về văn hoá tranh luận, dám có ý kiến xây dựng, dám nêu ý tưởng. Nhiều lãnh đạo cấp trên rất cởi mở và không muốn áp đặt quyền lực, nhưng cấp dưới tự mình e ngại trước. Đây cũng là nguyên nhân gây hạn chế rất nhiều cả về chất lượng và số lượng sáng kiến từ cấp dưới. Khoảng cách quyền lực cũng là lý do khiến nhiều cơ quan đang làm việc máy móc, thiếu dân chủ, không phát huy đầy đủ năng lực của cá nhân.

Ý hướng phấn đấu được làm “sao đỏ” của con trẻ không phải xấu song cần có sự định hướng ngay từ nhỏ, những quyền năng mà chiếc băng “Sao đỏ” mang lại, chỉ là một nhiệm vụ như bao nhiệm vụ khác, không phải điều cốt yếu để phấn khích…Để sau này, khi trở thành “ông nọ, bà kia” chúng sẽ đừng khoác lại trên người cái áo “uy tín giả”, thủ tiêu tinh thần phấn đấu của cấp dưới…mà phải phấn đấu vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ./.

Q.T11

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét