Từ hôm nay
(1-7), Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 có hiệu lực, đánh dấu bước tiến
mới và tạo thêm cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác PCTN ở nước ta. Hơn 6 năm
qua, kể từ ngày Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN được thành lập, cuộc chiến PCTN
của chúng ta đã thu được những thành quả rất quan trọng, tạo niềm tin lớn cho
nhân dân. Thế nhưng, thật đáng tiếc là có một số người vẫn cố tình phủ nhận
thành quả này..
Hàng loạt vụ
tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng
Thanh tra
Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí
Minh). Đây là một trong những vụ sai phạm về kinh tế lớn, diễn ra trong thời
gian dài, được dư luận đặc biệt quan tâm. Kết luận thanh tra đã chỉ rõ trong
quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP Hồ Chí
Minh và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ
kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền
đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới
Thủ Thiêm. Kiến nghị giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán, xác định
lại tổng mức đầu tư, giá trị tiền sử dụng đất theo giá thị trường và quy định của
pháp luật, nhằm tránh thất thoát tiền của Nhà nước, khắc phục tình trạng mất
cân đối vốn như hiện nay đối với các dự án BT đang thực hiện trong Khu đô thị mới
Thủ Thiêm...
Thanh tra
Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét,
xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban
Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận.
Khu đô thị mới
Thủ Thiêm là một trong hàng trăm vụ sai phạm lớn về kinh tế đã được đưa ra ánh
sáng trong mấy năm gần đây. Theo Thanh tra Chính phủ, hơn 6 năm qua, kể từ khi
Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN được thành lập theo quyết định của Bộ Chính trị,
công tác PCTN đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều đại án kinh tế tham
nhũng bị triệt phá, thu hồi lại tài sản cho Nhà nước và nhân dân, nhiều quan chức
thoái hóa biến chất bị truy tố và chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn
định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ,
đảng viên và nhân dân.
Đặc biệt, Ủy
ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng
liên quan đến tham nhũng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên
là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và
đã nghỉ hưu. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật
của Đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, bảo đảm kịp thời, đồng bộ giữa kỷ
luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước. Việc xét xử được đổi mới
theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật,
không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, nghiêm minh, thấu
tình đạt lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Cùng với việc
phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức
năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa
tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra,
không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.
Bịt các
"lỗ hổng” để ngăn ngừa tham nhũng
Có thể nói
công cuộc PCTN của chúng ta tuy còn rất gian nan nhưng đã thu được những thành
quả rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn
còn những tồn tại, hạn chế, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang,
né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu;
tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn
là khâu yếu… Đồng thời, việc chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền
lực; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ,
quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện nghiêm đã tạo “kẽ hở” cho việc lạm quyền
để trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu rèn
luyện đạo đức, tham lợi, vụ lợi bất chính...
“Khoét sâu”
vào những hạn chế nói trên, một số người đưa thông tin trên mạng xã hội hoặc
báo chí nước ngoài rằng “việc PCTN ở Việt Nam thất bại”, “chỉ đưa ra ánh sáng
những vụ việc không thể che đậy được”, “chống tham nhũng ở Việt Nam như nước đổ
đầu vịt”… Có lẽ những người đưa ra các thông tin này không hiểu hoặc cố tình
không hiểu công tác PCTN ở Việt Nam.
Thế nhưng,
nhiều “lỗ hổng phát sinh tham nhũng” nói trên cũng sẽ được “bịt” dần bằng các
cơ chế chính sách của Nhà nước, bằng công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Luật
PCTN 2018 có hiệu lực từ ngày hôm nay là một trong những "vũ khí"
quan trọng trên trận tuyến PCTN.
So với Luật
PCTN 2005, Luật PCTN 2018 có nhiều điểm mới. Các đối tượng phải kê khai tài sản,
thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại
luật cũ, mà được mở rộng đến sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân
dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương
đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước,
người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại
biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND)…
Ngoài phải kê
khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, luật mới còn yêu cầu
các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản
khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, các đối tượng còn
phải kê khai cả tổng thu nhập giữa hai lần kê khai. Trường hợp có biến động tài
sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát
tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh. Người có nghĩa vụ kê khai phải giải
trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản,
thu nhập tăng thêm. Đồng thời, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho
rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.
Điều 39 của
Luật PCTN 2018 nêu rõ, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công
khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê
khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công
khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc
hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử… Cán
bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ
luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức,
buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.
Luật PCTN
2018 còn quy định cơ quan nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu
trách nhiệm. Trong đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người
do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng. Cấp phó phải chịu trách
nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị
do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
liên đới…
Cũng phải nói
thêm rằng, tham nhũng không chỉ có ở Việt Nam mà đã trở thành quốc nạn ở nhiều
nước trên thế giới. Tham nhũng không chỉ có từ bây giờ mà đã có từ rất lâu ở Việt
Nam. PCTN là quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn xã hội.
Luật PCTN mới với những quy định mới sẽ tạo ra bước đột phá mới cho công cuộc
PCTN ở nước ta. Với những ai còn mơ hồ về kết quả PCTN ở Việt Nam, hãy nhìn lại
các vụ việc đã bị phát hiện, đang phát hiện và chờ đợi kết quả của việc thực hiện
Luật PCTN 2018 sau khi có hiệu lực thi hành.
Có thể nói, vấn
đề tham nhũng là trọng tâm chống phá của các thế lực thù địch trong thời gian
qua. Việc Đảng ta kiên quyết chống tham nhũng là đòn giáng mạnh mẽ vào âm mưu của
kẻ thù. Đồng thời đây cũng là việc làm thiết thực góp phần làm trong sạch bộ
máy, ổn định hệ thống chính trị, phát triển đất nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét