Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

SỰ PHI LÝ, PHẢN ĐỘNG CỦA LUẬN ĐIỆU “NHÂN QUYỀN CAO HƠN CHỦ QUYỀN”

  

Thời gian qua, cùng với việc xuyên tạc, vu cáo, bóp méo tình hình đời sống dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, các thế lực thù địch còn đẩy mạnh tuyên truyền nhiều luận điệu phản khoa học, phi thực tế như “nhân quyền tối thượng”, “nhân quyền toàn cầu”, “nhân quyền không biên giới”,… Theo đó, nhân quyền đã thực sự trở thành một “vũ khí” chống phá hết sức nguy hiểm mà kẻ thù tìm mọi cách lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, núp dưới danh nghĩa những “nhà nhân quyền”, “nhà dân chủ”, các thế lực phản động ra sức cổ vũ, ủng hộ cho “tự do nhân quyền”, “tự do ngôn luận”,… Vậy thực chất của cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là gì? Phải chăng trong thế giới hiện nay, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “quyền con người” cao hơn chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, dân tộc? Đây là luận điểm thực sự vì con người hay chỉ là một “thủ đoạn chính trị” của các thế lực thù địch?

Trước hết, cần khẳng đình rằng mỗi con người ở từng quốc gia luôn cùng lúc chịu tác động và phải giải quyết hai mối quan hệ cơ bản: quan hệ về nhân quyền và quan hệ về chủ quyền quốc gia. Đây là hai mối quan hệ cơ bản cùng đồng thời tồn tại song lại không cùng “hệ quy chiếu”, không cùng tuyến tiếp cận nên không thể so sánh cái này cao hơn hoặc cái kia cao hơn. Do vậy, sẽ hoàn toàn khiên cưỡng, phản khoa học, phi thực tế khi cố tình đưa chủ quyền đặt cạnh nhân quyền, coi “nhân quyền” cao hơn, “chủ quyền” thấp hơn,…

Nhân quyền là giá trị được hình thành trong thực tiễn lịch sử đấu tranh xã hội và cải tạo tự nhiên của nhân loại. Nội dung cốt lõi nhất của nhân quyền là bảo đảm những quyền cơ bản của con người như quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do đi lại và cư trú, tự do hội họp và lập hội, quyền sở hữu, quyền tham gia chính quyền, quyền được hưởng giáo dục miễn phí,... Tôn trọng nhân quyền là quan tâm, chăm lo, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để mỗi người có thể thực hiện đầy đủ những quyền cơ bản đó. Một xã hội phát triển toàn diện là xã hội thực sự tôn trọng nhân quyền, đề cao quyền con người.

Chủ quyền, chủ quyền quốc gia là thuật ngữ dùng để chỉ quyền làm chủ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của một quốc gia độc lập, được thể hiện trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao và được đảm bảo toàn vẹn, đầy đủ về mọi mặt, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Ở Việt Nam, vấn đề chủ quyền đã luôn được cha ông ta khẳng định và bảo vệ. Chủ quyền lãnh thổ nước ta hiện nay chính là kết quả lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, là thành quả đấu tranh cách mạng được đánh đổi bằng máu xương và tính mạng của biết bao thế hệ, là kết tinh nghị lực, ý chí, sức mạnh và lòng tự tôn dân tộc.

Từ sự phân tích ở trên có thể nhận thấy vị trí, ý nghĩa của vấn đề nhân quyền và vấn đề chủ quyền quốc gia. Do vậy, xét đến cùng. luận điểm "nhân quyền hơn chủ quyền” không gì khác chính là biểu hiện cụ thể của tư tưởng thực dụng, của chủ nghĩa cá nhân; đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Những người đưa ra và lớn tiếng ủng hộ cho luận điểm này đã cố tình bỏ qua sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích đất nước và lợi ích cá nhân, giữa nhân quyền và chủ quyền. Thử hỏi nếu chủ quyền của một quốc gia, dân tộc bị xâm phạm, bị chà đạp thì nhân quyền ở quốc gia, dân tộc đó có còn được bảo đảm? Câu trả lời đương nhiên sẽ là “Không”! Và, nếu khi đã không còn chủ quyền quốc gia, dân tộc thì căn cứ vào đâu để xác định sự tồn tại của quốc gia, dân tộc đó? Căn cứ vào đâu để đề cập vấn đề nhân quyền của những cá nhân trong quốc gia, dân tộc đó?

Rõ ràng, nhân quyền chỉ có thể được thực hiện một cách đầy đủ trên cơ sở chủ quyền đất nước được giữ vững. Nếu chủ quyền đất nước không còn toàn vẹn thì không thể và không bao giờ bảo đảm được nhân quyền cho mỗi công dân. Giữ vững chủ quyền là cơ sở tiên quyết để thực thi nhân quyền. Không có một quốc gia nào chỉ vì nhân quyền mà xem nhẹ, bỏ qua, thậm chí là “hy sinh” chủ quyền của quốc gia, dân tộc.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta cũng chính là bài học vô cùng quý báu về mối quan hệ giữa chủ quyền và nhân quyền. Đối với người Việt Nam, nhân quyền, trước hết là quyền dân tộc tự quyết, là độc lập dân tộc. Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc cũng như kinh nghiệm đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng đã cho thấy: “nước mất, nhà tan”, khi đất nước bị xâm lăng thì không bao giờ có được nhân quyền. Bởi thế, mọi thế hệ người Việt Nam luôn ý thức rất rõ: mất nước là mất tất cả. Thực tế ở Việt Nam, đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ luôn là điều kiện tiên quyết để bảo vệ và phát triển nhân quyền. Nhân quyền chỉ có thể thực thi trọn vẹn khi đất nước được độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”./.

NT11

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét