Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Nhận diện và phản bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


          Như chúng ta đã biết, ngày nay cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin (CNTT), mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tik Tok..) trở thành một nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, tổ chức. Chúng ta thử hình dung trong 1 ngày nếu chúng ta không dùng mạng xã hội, mạng internet không có thì đã thấy lạc hậu về thông tin như thế nào, chưa kể các tiện ích phục vụ cuộc sống như thanh toán, liên lạc….. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích mang lại của nó thì không gian mạng cũng song hành đưa đến cho mỗi chúng ta những thông tin, những giá trị không thực, không được kiểm chứng, kể cả những thông tin độc hại, sai lệch đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết chọn lọc để tiếp nhận.

          Trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng không phải là ngoại lệ, không gian mạng cũng đem lại nhiều thách thức, như chúng ta đã biết, để tuyên truyền những quan điểm sai trái, các thế lực thù địch ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là đối tượng trẻ. Cụ thể nhận diện qua:

          Mục tiêu: Mục tiêu việc chống phá là đả kích nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc lý lịch, thân thế sự nghiệp các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước để đi đến phủ nhận con người, phủ nhận hệ tư tưởng mác xít và vai trò lãnh đạo của Đảng. Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để thông qua đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

          Về hình thức và phương tiện: Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nền tảng mạng xã hội thì hình thức và phương tiện tuyên truyền của các thế lực thù địch ngày càng phong phú và đa dạng, trong đó chủ yếu qua các phương tiện truyền thông, internet, blog, mạng xã hội, duy trì sử dụng hàng chục đài phát thanh chương trình Việt ngữ, hàng trăm báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, hàng ngàn website, blog, lập nhiều trang Website giả danh, tác phẩm văn học …  thông qua đó để liên tục phát tán những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

          Thời điểm: Lợi dụng các sự kiện chính trị – xã hội “nhạy cảm” như: việc bắt, xử lý số cán bộ cao cấp về tội tham nhũng; xét xử số đối tượng chống đối vi phạm pháp luật, hoặc trước và sau các kỳ Đại hội các cấp

          Đối tượng hướng đến: Hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực phản động chủ yếu là hướng đến trí thức, văn nghệ sĩ; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên; người lao động… Hoặc móc nối, lôi kéo các đối tượng cơ hội chính trị có cả cán bộ đương chức, có tướng lĩnh đã nghỉ hưu và thành phần chống đối trong trí thức, văn nghệ sĩ tăng cường chống Đảng, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ”

          Thấy rõ được âm mưu này, Đảng ta đã xác định, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, ngày càng diễn ra quyết liệt. Trong các Văn kiện Đại hội, Đảng ta đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ. Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”. Đại hội IX của Đảng khẳng định phải “Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”. Với tinh thần đó, Đại hội X của Đảng đã yêu cầu “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình,” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”.

          Cùng với đó, Đảng ta đã kịp thời nhận định và đề ra giải pháp tại nhiều Chỉ thị, nghị quyết của Đảng như:

          Tại Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) ngày 01/8/2007 của Đảng ta đã nhận định “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc, đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội. Các phần tử cơ hội chính trị trong nước móc nối với thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng”. Từ đó yêu cầu: “Triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng chống nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa ở cả Trung ương, các ngành, các cấp”.

          Nghị quyết Trung ương 9, khóa X, ngày 02/2/2009 “Về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng” cũng đã nhấn mạnh: “Chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng”.

          Đến Đại hội XI, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

          Như vậy, chúng ta có thể thấy đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay và cũng là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài đối với mỗi đảng viên, tổ chức Đảng và toàn hệ thống chính trị. Đối với mỗi đảng viên, học viên Học viện Chính trị nói chung, cán bộ, đảng viên lớp CH TLH 2022 cần phải có trách nhiệm góp phần cùng toàn Đảng và hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

          Đối với mỗi cán bộ, đảng viên:

          Không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và lý luận chính trị từ đó trang bị cho mình thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng từ đó tạo cho mình sức “đề kháng” mạnh mẽ cũng như tiếp nhận một cách có chọn lọc trước những thông tin, luận điệu xuyên tạc, thù địch và vận dụng những kiến thức và lý luận của mình để phản bác lại.

          Mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt vai trò gương mẫu, nêu gương trong cuộc sống, công tác và sinh hoạt Đảng, theo tôi đây là phương thức đấu tranh phù hợp nhất mà mỗi cán bộ, đảng viên có thể thực hiện vì hơn ai hết mỗi quần chúng, nhân dân đều soi xét, đánh giá vào chính bản thân cán bộ, đảng viên, lãnh đạo như là tấm gương phản chiếu “nền tảng tư tưởng của Đảng”.

          Sử dụng, khai thác mạng xã hội một cách hợp lý trên cơ sở xem mạng xã hội như một công cụ để thu thập thông tin, tích luỹ kiến thức phục vụ công tác và cuộc sống chứ không phải và phương tiện để đưa ra quan điểm, nhận định cá nhân.  

ĐL11

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét