Hằng ngày, chứng kiến sự lấn lướt
của những nội dung giật gân, chưa được kiểm chứng, sự tràn lan của loại thông
tin nhảm nhí, độc hại trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi lo âu, e ngại,
thậm chí phẫn nộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó không gian mạng cũng chuyển tải, lan tỏa
nhiều thông tin, trào lưu lành mạnh, nhân văn, truyền cảm hứng,... Ðiều đó cho
thấy cùng với việc xây dựng chuẩn mực đạo đức trên không gian mạng, sự chủ động
để hình thành thói quen tích cực trong ứng xử của người dùng là rất cần thiết để
góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, văn minh.
Hình thành, phát triển chưa lâu
nhưng mạng xã hội đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng cũng như những tác động
sâu rộng về mặt xã hội. Số lượng người dùng không ngừng gia tăng, các trào lưu
liên tục hình thành, thu hút nhiều người tham gia, tương tác, và tác động trở lại
đời sống xã hội, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Ðiều này đặt ra yêu cầu về
việc sử dụng mạng xã hội phải tuân thủ quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức,
thuần phong mỹ tục, trên cơ sở đó từng bước xây dựng, lan tỏa các giá trị đích
thực.
Không phủ nhận một thực tế là hằng
ngày trên không gian mạng ảo xuất hiện vô số trào lưu phản cảm, nhảm nhí hay xu
hướng gây hấn, phát ngôn thù ghét, sử dụng mạng xã hội để tiến công tổ chức hoặc
cá nhân có chiều hướng gia tăng, gây nhiều lo ngại. Tuy nhiên, những việc làm tốt
đẹp cũng luôn hiện diện và được lan tỏa từng ngày trên mạng xã hội. Thời gian ứng
phó với đại dịch Covid-19 vừa qua, trong khi nhiều hoạt động phải tạm ngưng,
tác động không nhỏ đến đời sống cộng đồng, lập tức trên mạng xã hội xuất hiện
các trào lưu sống tích cực khuyến khích mọi người thích ứng với tình hình mới
như: ở nhà là yêu nước, thực hiện “vũ điệu rửa tay”, thử thách ở nhà 15 ngày,
14 ngày thay đổi bản thân, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, chung tay cùng các
nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch bằng những việc làm thiết thực, nhường
cơm sẻ áo với người gặp khó khăn, “Sài Gòn cùng nhau nấu cơm”,... đã thu hút
nhiều cư dân mạng tham gia. Tiêu biểu như “Vũ điệu rửa tay” (sáng tác dựa trên
ca khúc Ghen cô Vy) của vũ công Quang Ðăng, chỉ sau 13 giờ đăng tải đã thu hút
10.000 lượt tương tác, trở thành hiện tượng mạng, được bạn bè quốc tế quan tâm,
học hỏi nhất là sau khi xuất hiện trong chương trình Late Week Tonight with
John Oliver (Tối cuối tuần với Giôn Ô-li-vơ) phát trên kênh HBO ngày 1/3/2020.
Trong khi vẫn có không ít đơn vị,
tổ chức còn dè dặt, thận trọng trong việc khai thác tính ưu việt của mạng xã hội,
thì ngược lại, sự mạnh dạn, chủ động nhập cuộc của nhiều cá nhân đã góp phần
thay đổi đáng kể diện mạo của môi trường mạng. Thông qua nội dung được đăng tải,
nhiều YouTuber, Facebooker, Vlogger đã truyền đi thông điệp về một xu hướng sống
tích cực, hướng đến những giá trị nhân văn, niềm tự hào dân tộc. Dù mang tính tự
phát, nhưng rất cần khen ngợi nhiều đoạn phim trên mạng đã góp phần xây dựng
hình ảnh tươi đẹp của đất nước.
Các thành công nêu trên cho thấy
hiệu quả to lớn từ việc phát huy tính chủ động, sự sáng tạo của mỗi tổ chức,
đơn vị, cá nhân trên mạng xã hội, góp phần tôn vinh hình ảnh đất nước. Sự phát
triển nhanh chóng của công nghiệp 4.0 đang thật sự vừa là thách thức, vừa là cơ
hội. Ðể kiến tạo một môi trường mạng văn minh, an toàn, cần có sự chung tay của
mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, trong đó mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn
về tự do ngôn luận, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, từ đó phát huy tính chủ động,
tích cực của bản thân. Bên cạnh việc phê phán, ngăn chặn những trào lưu nhảm
nhí, độc hại, các hành vi phản cảm, việc thực hành chuẩn mực đạo đức trên không
gian mạng, tích cực lan tỏa các trào lưu, xu hướng lành mạnh sẽ là một điều kiện
quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét