Mới đây nhất trên mạng xã hội
lan truyền một số thông tin như: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện phong tỏa
theo phương án mới và kêu gọi người dân đi mua sắm tích trữ hàng hóa; lãnh đạo
thành phố bị mắc COVID-19; các bệnh viện tại thành phố quá tải do số lượng bệnh
nhân COVID-19 quá đông;…. Bộ Y tế và Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và
Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã khẳng định những thông tin trên đều là thất thiệt,
sai sự thật, xuyên tạc.
Tuy nhiên, không phải chỉ với
Thành phố Hồ Chí Minh mà ở hầu khắp các địa phương đều có xuất hiện của “đại dịch”
tin giả, tin đồn thất thiệt, sai sự thật. Cơ quan chức năng của Bộ Công an cho
biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cho đến nay, trên không gian mạng đã
có rất nhiều thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật,
thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Đã có hàng nghìn trường hợp bị các
cơ quan chức năng xác minh, đấu tranh và xử lý ở các mức độ khác nhau do tung
tin thất thiệt, đưa tin, bài không được kiểm chứng, sai sự thật, xuyên tạc.
Có thể thấy rằng, hành vi trên
của một số người dân phần đa vẫn là do thiếu hiểu biết về pháp luật, chủ quan,
đơn giản trong việc tạo tin và đưa tin lên mạng xã hội. Mặt khác là do người
tham gia mạng xã hội thiếu trách nhiệm, muốn tạo thông tin lạ, tin hot nhằm câu
like, câu view, gây sự chú ý trên mạng hoặc phục vụ việc bán hàng online… Nhưng
chúng ta cũng cần cảnh giác, rất có thể một số phần tử bất mãn trong nước tung
tin thất thiệt theo sự giật dây của các thế lực thù địch.
Những thông tin sai trái, những
giọng điệu xuyên tạc ấy ít nhiều đã làm ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng, tâm
lý của những người dân nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết; làm cho thế giới hiểu
chưa đúng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và tinh thần “Chống dịch như chống giặc”
của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cùng với thông tin bịa đặt, bóp méo sự
thật về diễn biết tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch còn xuyên tạc công
tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng, cấp ủy,
chính quyền các địa phương. Chúng cho rằng tình hình dịch phức tạp mà vẫn thực
hiện “mục tiêu kép” là coi thường tính mạng, sức khỏe nhân dân… Thực chất của
chiêu trò này là nhằm tạo dư luận trái chiều, kích động người dân gây áp lực với
Đảng và Nhà nước. Những thông tin thất thiệt, xấu độc này càng trở nên nguy hiểm
khi một số người dân thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm lên mạng xã hội “té nước
theo mưa” chia sẻ, phát tán, bình luận...
Do vậy, các cơ quan chức năng cần
tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các
trường hợp đưa tin sai sự thật về diễn biến, tình hình dịch bệnh là cần thiết
nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Cơ bản, lâu dài vẫn phải là phát huy vai
trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo
chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch COVID-19
cho nhân dân. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình
tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng
trên mạng xã hội. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cho
người dân am hiểu hơn về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi
tung tin giả, tin thất thiệt và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện
không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19… để tự giác chấp hành.
Bên cạnh lực lượng chức năng
trong công tác đấu tranh ngăn chặn “đại dịch” tin giả, rất cần có sự chung tay,
góp sức của cả cộng đồng. Khi tham gia vào môi trường mạng mỗi người dân bằng
kiến thức và hiểu biết của mình hãy suy xét thận trọng, kỹ lưỡng trước những
thông tin, hình ảnh, ….
Mặt khác mỗi cá nhân hãy kiềm
chế cảm xúc đừng vì những diễn biến tâm lý nhất thời mà nghĩ sai, nghĩ xấu và
có những phản ứng tiêu cực về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước, để rồi đăng tải, chia sẻ những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bình luận
ác ý về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét