Tại Liên Xô, ngày 12-3-1990, Đại hội đại biểu nhân dân thông qua nội dung xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô (Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977), chấp nhận đa nguyên, đa đảng, từng bước xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo đối với quân đội, an ninh và nội vụ. Ngày 20-7-1991, Tổng thống Liên bang Nga B.Yeltsin ban bố sắc lệnh “phi đảng hóa”, cấm các chính đảng hoạt động trong cơ quan nhà nước, trong đó bao gồm cả lực lượng vũ trang. Ngày 23-8-1991, Bộ trưởng Quốc phòng Sapôxnicốp đã tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và ra lệnh mọi quân nhân là đảng viên cộng sản phải trả thẻ đảng. Những hành vi đó từng bước “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang Liên Xô, làm lực lượng quân đội hùng hậu chỉ còn là “cái bóng”, dẫn đến sự sụp đổ của “thành trì của chủ nghĩa xã hội”, “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”
Ở Việt Nam, từ những năm 90 của thế
kỷ XX đến nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “phi chính trị
hóa” lực lượng vũ trang với các luận điệu: “Quân đội nhân dân Việt Nam và Công
an nhân dân Việt Nam chỉ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chủ quyền quốc
gia”; “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”, chỉ cần “thượng tôn
pháp luật” nên phải “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, đòi bãi bỏ quy định
“lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam” được ghi nhận
trong Hiến pháp năm 2013; đưa mô hình quân đội, công an ở một số nước để kêu
gọi hình thành “quân đội nhà nghề”; lợi dụng chủ trương tinh giản biên chế,
thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy lực lượng vũ trang để quy chụp cho đó là biểu
hiện tham nhũng, lợi ích nhóm, đặc quyền, đặc lợi; thổi phồng khuyết điểm của
một vài cá nhân, đơn vị để hạ thấp vị thế, uy tín của lực lượng vũ trang trong
xã hội.
Suy cho cùng, mọi luận điệu mà họ
tung ra chỉ nhằm một mục đích duy nhất là làm cho Quân đội, Công an xa rời sự
lãnh đạo của Đảng, tha hóa, biến chất, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân
tộc và CNXH, mất sức chiến đấu, mất khả năng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội; kích động, xuyên tạc làm lu mờ bản chất truyền thống tốt đẹp
của QĐND, CAND, làm cho nhân dân mất lòng tin vào Quân đội và Công an. Một khi
Đảng không nắm được Quân đội và Công an, tất yếu Quân đội và Công an sẽ mất
phương hướng chiến đấu, phân rã về chính trị, tư tưởng. Đó là thời cơ để các
thế lực thù địch đẩy đất nước lâm vào tình cảnh rối ren, mất ổn định chính trị,
chệch hướng XHCN, lệ thuộc vào nước ngoài.
Quân đội và Công an là hai thành
phần chủ chốt trong LLVT nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo,
giáo dục và rèn luyện; trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc,
Quân đội và Công an luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối
trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, mang trong mình bản chất
giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Trong
tình hình mới, Quân đội và Công an phải không ngừng quán triệt sâu sắc chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết
của Đảng về quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc; đề cao cảnh giác, tích cực,
chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của chúng;
tập trung xây dựng Quân đội và Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng
bước hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất
lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong
mọi tình huống. Trong đó, cần: Tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Quân
đội và Công an nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về bản chất, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ,
mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội, Công an; trung thành vô hạn với
Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhận rõ đối tượng, đối tác của cách mạng, đối tượng
tác chiến trong tình hình mới, luôn thể hiện là lực lượng cách mạng nhất, vững
vàng, kiên định./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét