Nhận thức rõ đặc điểm và xu hướng phát triển của thời đại cũng như cục diện
và tình hình thế giới là công việc rất cần thiết. Mỗi quốc gia, dân tộc cần biết
mình đang sống trong thời đại gì và bối cảnh thế giới nào, với những tính chất,
đặc điểm, nội dung và xu thế phát triển ra sao.
Hiểu biết sâu sắc về thời đại giúp chúng ta tìm thấy xu hướng tất yếu
trong vô vàn những hiện tượng phức tạp, mang tính ngẫu nhiên của đời sống xã hội.
Đó cũng là cách giúp chúng ta nhìn xa trông rộng, nắm bắt khuynh hướng và quy
luật phát triển của nhân loại để vừa có thể lựa chọn được hướng đi phù hợp với
sự phát triển của lịch sử; lường trước được những thách đố phức tạp, tránh được
những vấp váp sai lệch; từ đó không bị chao đảo hoặc bị cuốn trôi trước phong
ba bão táp của đời sống chính trị quốc tế.
Chính vì lẽ đó, khi bàn về những vấn đề lớn của cách mạng, trước đây cũng
như bây giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta bao giờ cũng bắt đầu bằng việc
phân tích đặc điểm, nội dung, xu thế phát triển của thời đại; nhận định các mặt
của tình hình thế giới để xác định đúng con đường đi của cách mạng Việt Nam và
đề ra đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn, sáng tạo. Cả trên phương diện lý
luận và thực tiễn là như vậy nhưng hiện nay trước Đại hội XIII của Đảng, một số
luận điệu sai trái cho rằng: Thật không tưởng khi nói thời đại ngày nay là quá
độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Vì vậy, các
phần tử phản động, cơ hội chính trị cho rằng: Từ Đại hội XIII trở đi, không nên
nói đến CNXH nữa. Họ cho rằng làm gì có thời đại quá độ; nội hàm, đặc điểm, xu
thế của thời đại là sự mơ hồ; hai nội dung cốt yếu của thời đại đã bị lịch sử
phủ định. Bởi thế, khi không còn Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) nữa thì
nước ta làm sao có thể đi lên CNXH được? Luận điệu của họ không có gì mới nhưng
cách diễn đạt khác đi. Những luận cứ đấu tranh chống các luận điệu này cần được
làm rõ.
Lập luận của luận điệu sai trái là, nếu nói thời đại hiện nay là thời đại
quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên CNXH, thì nay CNXH sụp đổ rồi, thời đại
này đương nhiên là của CNTB; rằng CNXH và chủ nghĩa cộng sản đã tàn lụi thì dù
có trăm năm sau cũng không thể gượng dậy được nữa.
Cách nhìn nhận của họ rõ ràng là thiếu kiến thức lịch sử và rất thiển cận.
Quá trình chuyển biến và thay thế một thời đại này bằng thời đại khác không thể
diễn ra nhanh chóng được, mà phải qua một chặng đường dài. Quá trình đó là một
xu thế tất yếu của xã hội loài người, nhưng diễn ra quanh co, phức tạp chứa đựng
nhiều biến cố, có cả bước tiến mạnh mẽ và cũng có cả những bước tụt lùi. Sự đổ
vỡ của mô hình XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đương nhiên là tổn thất nặng nề đối với
phong trào cộng sản trên thế giới. Ai cũng biết rằng, sự sụp đổ ấy có nhiều
nguyên nhân, nhưng nó không thuộc về bản chất của chế độ XHCN, càng không phải
vì thế mà làm mất đi nội dung thời đại. Lịch sử đã cho thấy thời đại tư bản chủ
nghĩa (TBCN) thay thế thời đại phong kiến đâu phải dễ dàng. Quá trình chuyển biến
đó diễn ra hàng mấy trăm năm, trải qua biết bao phức tạp, bởi sự chống trả quyết
liệt của các thế lực phong kiến. Tình hình hiện nay cũng tương tự như vậy. Thế
lực đế quốc không từ thủ đoạn nào để mưu toan chặn đứng phong trào cộng sản. Điều
đó càng thể hiện tính chất phức tạp của thời đại ngày nay.
Từ những phân tích trên đây, chúng ta càng thống nhất với nhận định rằng,
mặc dù tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có nhiều
thay đổi, có khi là thay đổi khôn lường, nhưng bản chất của thời đại không thay
đổi. Tình hình cụ thể trong từng thời kỳ của thế giới có những biến động, nhưng
điều đó không làm thay đổi nội dung của thời đại; loài người vẫn đang trong thời
đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại, có
mặt sâu sắc hơn, nội dung và hình thức biểu hiện có nhiều nét mới. Đấu tranh
dân tộc và đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.
Nước ta quá độ lên CNXH tuy không còn có sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước
XHCN như trước, nhưng trong giai đoạn mới của thời đại, khi cách mạng khoa học-công
nghệ và toàn cầu hóa đời sống thế giới, tất cả các nước đều ở trong mối liên hệ
phụ thuộc lẫn nhau, không một nước nào sống biệt lập mà có thể phát triển được.
Sự hợp tác kinh tế với các nước bằng nhiều hình thức sinh động trên nguyên tắc
bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp
vào công việc nội bộ của nhau dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ tranh thủ vốn, kỹ
thuật, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý, phục vụ cho việc phát triển
kinh tế đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ
thuật của CNXH. Đó cũng là một khả năng thực tế mà chúng ta đã và đang cố gắng
tận dụng, đưa nước ta hòa nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Mặt khác,
không chỉ có thời cơ mà còn có cả những thách thức, những nguy cơ.
Đó là những thách thức, những nguy cơ mà chúng ta cần có sự nhận thức sâu
sắc và tỉnh táo, không một chút mơ hồ, mất cảnh giác, để có những chủ trương,
biện pháp ngăn ngừa, đối phó hữu hiệu. Chúng ta thực hiện phương châm vừa hợp
tác, vừa đấu tranh trên cơ sở giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc về mục
tiêu chiến lược và mềm dẻo linh hoạt về sách lược. Đấu tranh không phải để phá
vỡ hợp tác mà để phát triển sự hợp tác. Phải biết khéo tận dụng thời cơ, tranh
thủ quan hệ với các nước lớn trong xu hướng đa cực hóa để mở rộng sự hợp tác vừa
có lợi, vừa bảo vệ được mình và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những tình huống
xấu nhất, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi
hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét